1. Phân xưởng CDU hoàn thành khởi động và sản xuất các sản phẩm thương mại trong đợt BDTT lần 5 NMLD Dung Quất
Vào lúc 13h30' ngày 14/4/2024, phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU) Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã hoàn thành bảo dưỡng, khởi động trở lại và sản xuất thành công các sản phẩm thương mại đạt chất lượng ngay trong quá trình bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 5 NMLD Dung Quất.
|
Phân xưởng CDU hiện đã khởi động thành công và bắt đầu sản xuất các dòng sản phẩm thương mại trong đợt BDTT lần 5 NMLD Dung Quất |
Hiện tại, phân xưởng CDU đang duy trì ổn định ở mức 72% công suất. Quá trình khởi động lại phân xưởng CDU được đảm bảo an toàn, không phát hiện các rò rỉ, không có sự cố, tình trạng thiết bị cụm phân xưởng CDU-KTU đang ở trạng thái hoạt động ổn định.
Theo thông tin từ BSR, tính đến ngày 14/4, tiến độ bảo dưỡng cơ khí đợt BDTT lần 5 NMLD Dung Quất đã đạt 95,85% so với kế hoạch đề ra. Hiện, BSR đang tích cực phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bảo dưỡng các hạng mục công việc còn lại để sớm khởi động các phân xưởng công nghệ khác như CCR, RFCC... Việc này sẽ đáp ứng mục tiêu đưa NMLD Dung Quất vận hành trở lại sớm hơn so với kế hoạch, góp phần cung ứng nguồn cung xăng dầu, nhiên liệu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
2. PVEP Sông Hồng khởi công thu dọn công trình dầu khí tại tỉnh Thái Bình
Vừa qua, tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Công ty Dầu khí Sông Hồng (PVEP Sông Hồng) đã tổ chức lễ khởi công thu dọn công trình dầu khí mỏ Tiền Hải C, cấu tạo Đông Quan D, D14 và Đông Hoàng.
|
Các đại biểu chứng kiến nghi thức khởi công thu dọn công trình dầu khí mỏ Tiền Hải C, cấu tạo Đông Quan D, D14 và Đông Hoàng. |
Mỏ khí Tiền Hải C phát hiện dòng khí thiên nhiên có giá trị công nghiệp đầu tiên vào ngày 18/3/1975, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác tìm kiếm dầu khí. Trải qua quá trình vận hành, sản lượng khí ngày một suy giảm và đến nay, các giếng khoan đã hết khả năng khai thác.
Thực hiện các quy định của Nhà nước về việc thu dọn công trình dầu khí, PVEP/PVEP Sông Hồng đã lập kế hoạch thu dọn công trình dầu khí mỏ Tiền Hải C, cấu tạo Đông Quan D, D14 và Đông Hoàng trình Bộ Công Thương phê duyệt. Sau thời gian chuẩn bị các thủ tục cần thiết, đơn vị đã chính thức triển khai công tác thu dọn mỏ với các nhiệm vụ cụ thể gồm: triển khai hủy 10 giếng khoan (09 giếng thuộc huyện Tiền Hải và 01 giếng thuộc huyện Thái Thụy); thu dọn 04 tuyến đường ống dẫn khí trải dài trên 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải; xử lý chất thải, quan trắc môi trường, lập báo cáo hoàn thành. Thời gian thi công dự kiến đến hết năm 2024.
3. Đảng ủy Tập đoàn khai giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024 khu vực TP Hồ Chí Minh
Được sự chỉ đạo, đồng ý của Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, sáng ngày 16/4, tại trụ sở Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Đảng ủy Tập đoàn đã tổ chức Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024 khu vực TP Hồ Chí Minh.
|
TS. Nguyễn Sỹ Quyết Tâm – Phó Chánh văn phòng Đảng ủy PV GAS trao đổi với học viên nội dung chuyên đề thứ 2 của khóa học. |
Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024 khu vực TP Hồ Chí Minh được tổ chức với sự tham gia của 172 học viên, đến từ 20 Chi/Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn, diễn ra từ ngày 16/4 đến ngày 19/4/2024. Khóa học có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi dưỡng những hạt nhân ưu tú bổ sung cho đội ngũ đảng viên các Chi/Đảng bộ, góp phần phát triển đảng tại cơ sở ngày càng lớn mạnh. Thông qua khóa học, các quần chúng ưu tú sẽ được bồi đắp thêm động cơ đúng đắn vào Đảng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, gắn bó với tập thể, với nhân dân, tích cực tham gia công tác đoàn thể, hoạt động xã hội, từ đó tích cực tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở.
4. Petrovietnam, PVOIL, PVFCCo đồng hành cùng Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: "Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh"
Sáng ngày 17/4, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV đã tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”. Diễn đàn được tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
|
Toàn cảnh diễn đàn |
“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước "xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
5. PTSC tổ hợp hoàn thiện chân đế đầu tiên cho Dự án Greater Changhua 2b&4
Mới đây, tại công trường thi công Cảng Hạ lưu PTSC Vũng Tàu, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã hoàn thành cẩu lắp cấu kiện lớn nhất để hoàn thiện chân đế đầu tiên cho dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b&4 của khách hàng Ørsted.
|
Chân đế trụ điện gió cao gần 100 mét và nặng khoảng 2.350 tấn do PTSC thi công chế tạo |
Đây là chân đế đầu tiên trong số 33 chân đế trụ điện gió mà PTSC đã được đặt hàng chế tạo và cung cấp cho dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b&4, cũng là chân đế điện gió ngoài khơi đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam.
Chân đế hoàn thiện đầu tiên này đã bước đầu hiện thực hóa lời phát biểu của Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường tại buổi Lễ ký hợp đồng với khách hàng vào ngày 19/5/2023: “PTSC cam kết sẽ tận dụng mọi nguồn lực của mình để hoàn thành Hợp đồng này hiệu quả, an toàn và để xây dựng chuỗi cung ứng nhằm góp phần phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm cung ứng cho ngành Năng lượng tái tạo ngoài khơi không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.
6. Quý I/2024: Petrovietnam tăng trưởng doanh thu 19%, lợi nhuận vượt kế hoạch
Trong quý I/2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có sự tăng trưởng tích cực với doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ; nhiều đơn vị thành viên, trực thuộc có kết quả vượt cao so với kế hoạch.
Phát huy hiệu quả của các giải pháp quản trị, điều hành, hoạt động SXKD của Petrovietnam được duy trì an toàn, ổn định. Trong tháng 3, tất cả các chỉ tiêu sản xuất cơ bản của Tập đoàn đều tăng mạnh so với tháng 2, đặc biệt khai thác dầu trung bình ngày trong tháng 3 đạt cao nhất từ đầu năm đến nay.
|
Toàn cảnh Giao ban CEO tháng 4 |
Tính chung Quý I/2024 hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức KH: Khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% (dầu thô trong nước đạt 2,09 triệu tấn, vượt 20% KH; khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 0,45 triệu tấn, vượt 16,7% KH); khai thác khác khí đạt 1,69 tỷ m3, vượt 32% KH; sản xuất đạm đạt 475,8 nghìn tấn, vượt 7% KH; sản xuất NPK đạt 77,3 nghìn tấn, vượt 59% KH; sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 1,61 triệu tấn, vượt 22,5% KH (nếu tính gồm sản lượng từ NSRP đạt 3,61 triệu tấn, vượt 18,7% KH); sản xuất Polypropylen đạt 36,5 nghìn tấn, vượt 20,7% KH.
Nhờ thực hiện tốt công tác quản trị biến động nên mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam Quý I/2024 giảm 2 - 16% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng các chỉ tiêu tài chính chủ yếu đều hoàn thành vượt mức từ 33-56% kế hoạch quý và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn Quý I/2024 ước đạt 231 nghìn tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch quý, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 31,3 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch quý, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị thực hiện đầu tư toàn Tập đoàn đạt 4,93 nghìn tỷ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2023.
7. PVTrans tiếp tục thiết lập đỉnh cao lợi nhuận
Đó là nội dung được chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT - sàn HOSE), diễn ra vào ngày 15/4, tại TP Hồ Chí Minh.
|
Chủ tịch HĐQT PVTrans Phạm Việt Anh phát biểu tại đại hội |
Liên tục trong 12 năm qua, Tổng công ty PVTrans đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 16%, quy mô tài sản tăng trưởng ở mức 7% một năm, chỉ số ROE bình quân đạt 13% một năm. Năm 2023, kết quả sản xuất kinh doanh của PVTrans được ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập, với tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.135,5 tỷ đồng, vượt 49% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 1.221,5 tỷ đồng, hoàn thành 227% so với kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước đạt 522,3 tỷ đồng, vượt 76% kế hoạch. Đặc biệt, năm 2023 cũng ghi nhận thành tích nổi bật của các đơn vị thành viên khi tất cả 11 đơn vị đều hoạt động hiệu quả, trong đó 3 đơn vị xuất sắc đạt lợi nhuận trên 100 tỷ đồng.
Sau phần thảo luận, các cổ đông đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua tất cả các báo cáo, tờ trình được trình tại Đại hội với tỷ lệ nhất trí cao. Về chính sách cổ tức, PVTrans thông qua cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 3% trong năm 2023, tương ứng tổng số tiền trả khoảng 106,8 tỷ đồng. Trước đó, PVTrans đã thông qua cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 với tỷ lệ 10% và dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 4/2024.
8. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn tiếp lãnh đạo Tập đoàn Equinor
Ngày 16/4, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đã có buổi tiếp và làm việc với ông Jacques – Etienne Michel - Giám đốc quốc gia Equinor tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn đã nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống gắn bó tốt đẹp giữa Việt Nam – Na-uy, đồng thời đánh giá Tập đoàn Equinor là đối tác quan trọng đối với Petrovietnam trong hợp tác lĩnh vực năng lượng.
|
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cùng ông Jacques – Etienne Michel - Giám đốc quốc gia Equinor tại Việt Nam |
Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn cho biết, trong quá khứ, Petrovietnam và Equinor đã hợp tác thực hiện thành công nhiều dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn mong muốn trong thời gian tới 2 bên sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện các dự án năng lượng mới.
Theo ông Lê Ngọc Sơn, trong bối cảnh các nền kinh tế hướng tới chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam cũng đang tích cực “chuyển mình” để bắt kịp xu hướng, là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh. Trong những năm qua Petrovietnam đã nghiên cứu về lĩnh vực điện gió ngoài khơi; tuy nhiên, tại Việt Nam, lĩnh vực điện gió ngoài khơi vẫn còn mới, cần có sự phê duyệt của Chính phủ và phải từng bước hoàn thiện khung pháp lý, thể chế để đầu tư.
9. Chi nhánh Phát điện Dầu khí kỷ niệm 01 năm thành lập (21/4/2023 - 21/4/2024): PVPGB hướng tới mục tiêu quản trị hiện đại, hiệu quả
Ngày 19/4/2024, tại Hà Nội, Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) chính thức ra mắt ấn bản Sổ tay Văn hóa doanh nghiệp PVPGB lần thứ I và ký kết hợp đồng bảo trợ truyền thông với Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes nhân dịp kỷ niệm 01 năm thành lập (21/4/2023 - 21/4/2024).
Trong năm 2023, tổng sản lượng điện toàn Chi nhánh đạt 8,638 tỷ kWh, xấp xỉ 100% kế hoạch Tập đoàn giao; doanh thu thực hiện toàn Chi nhánh đạt 16.807 tỷ đồng. Trong Quý I/2024, toàn Chi nhánh đạt sản lượng điện 3.093 triệu kWh, vượt 16% kế hoạch Tập đoàn giao; suất hao nhiệt của NMĐ Sông Hậu 1 giảm 360KJ/kWh. Đặc biệt, vào 9h26’ ngày 19/4/2024, NMĐ Thái Bình 2 đã cán mốc sản lượng 5 tỷ kWh. Cả 02 Nhà máy đặt mục tiêu phấn đấu đưa suất hao nhiệt tiệm cận PPA vào cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025.
|
Lãnh đạo Tập đoàn và các đối tác chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Chi nhánh Phát điện Dầu khí |
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chúc mừng những kết quả đầy tự hào mà PVPGB đã đạt được trong năm 2023. Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, dù là đơn vị non trẻ nhất Tập đoàn, nhưng PVPGB được hình thành dựa trên một quá trình “khó khăn, nhọc nhằn, vất vả” của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư, người lao động từ Tập đoàn tới các Ban Quản lý dự án Thái Bình 2, Sông Hậu 1 để “hồi sinh” các dự án, hoàn thành các nhà máy điện xanh, sạch, đẹp, hiện đại nhất hiện nay.
Trong thời gian tới, ông Lê Mạnh Hùng đề nghị PVPGB cần tiếp tục tăng cường công tác quản trị, nâng cao chất lượng nhân trực tiếp tại các nhà máy; tập trung công tác quản lý công nợ và kinh doanh điện; đặc biệt, tập trung triển khai nhanh thủ tục quyết toán 2 nhà máy và khẩn trương đưa NMNĐ Thái Bình 2 vào vận hành thương mại.
PV