Sign In

tin tức - sự kiện



​Trải qua hơn 42 năm hình thành và phát triển, Vietsovpetro đã xây dựng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, đây là nguồn tài sản vô giá của Vietsovpetro. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, cán bộ khoa học-kỹ thuật, kỹ sư, công nhân lành nghề của Vietsovpetro không ngừng được đào tạo nâng cao trình độ, cập nhật kịp thời công nghệ, kỹ thuật mới, đã đóng góp to lớn trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và xây dựng dầu khí biển cho ngành dầu khí Việt Nam. 


HIỆN TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA VIETSOVPETRO

Với số liệu thống kê trong năm 2023, tổng số CBCNV của Vietsovpetro là 7000 người, tuổi đời bình quân của cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong toàn Vietsovpetro (VSP) là 44,36. Theo đó, chỉ có 7% số lao động đang ở độ tuổi dưới 30, chiếm rất thấp so với tỉ lệ của Việt Nam là 28%.​
Có 25% số lao động của VSP đang trong độ tuổi sắp về hưu (nhóm trên 50 tuổi), đang chiếm 1/4 tổng số lao động. Có 32% lao động ở độ tuổi 31 – 39, cao hơn mức trung bình tại Việt Nam.


​​Để đáp ứng nhu cầu sản xuất như hiện nay, VSP chú trọng đầu tư vào công tác đào tạo phát triển nhân lực. Số liệu thống kê trong 5 năm gần đây, Vietsovpetro tổ chức đào tạo cho khoảng 11.300 lượt CBCNV (trung bình 1,7 lượt đào tạo/người/năm), trong đó có đến 8.600 lượt đào tạo về chuyên môn chiếm tỷ lệ 76%, điều này cho thấy các chương trình đào tạo thiên về chuyên môn, thiếu hụt các nội dung nâng cao kỹ năng quản lý & làm việc chuyên nghiệp cho CBCNV.
Với cơ cấu lực lượng lao động như hiện nay, VSP có được rất nhiều ưu thế trong ngành nhưng cũng sẽ đối mặt với rất nhiều trở ngại để hướng đến phát triển bền vững. Cụ thể:


Điểm mạnh: Nguồn nhân lực có chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm làm việc, tạo được lợi thế cạnh tranh trong hiện tại; Sự ổn định lực lượng lao động giúp VSP ổn định được chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo giữ mức ổn định, không phát sinh nhiều đột biến; Tỷ lệ gắn bó của CBCNV giúp gia tăng uy tín và thương hiệu của VSP.

Điểm hạn chế: Sự sáng tạo và đổi mới trong tổ chức bị cản trở bởi “tính ổn định" của các nhóm lao động, điều này gây khó khăn cho VSP trong việc bắt nhịp với những thay đổi nhanh chóng của ngành và khu vực; Khó tiếp cận với Tư duy quản trị hiện đại, khó thích nghi làm tác động đến chiến lược phát triển trong những giai đoạn mới.

Hiện nay Vietsovpetro đang khai thác vào giai đoạn cuối của mỏ, sản lượng khai thác sụt giảm nhanh. Kết quả thăm dò và tận thăm dò trên các lô hiện hữu cho thấy tài nguyên dầu khí tiềm năng còn lại tương đối nhỏ do đó việc gia tăng sản lượng, mở rộng vùng hoạt động là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của Vietsovpetro trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xu thế chuyển dịch năng lượng ngày càng mạnh mẽ sang nguồn năng lượng tái tạo cũng tạo ra nhiều cơ hội trong việc phát triển các dịch vụ mà Vietsovpetro có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Để làm được điều này, những việc VSP cần tập trung đầu tư là: Nâng cao năng lực đội ngũ Quản trị Nhân sự; Thu hút, giữ chân nhân tài đặc biệt là độ tuổi lao động Vàng; Xây dựng kế hoạch kế thừa và Quản trị tri thức bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế; Chuẩn hóa năng lực của Đội ngũ Quản lý Lãnh đạo tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC THEO ĐỊNH HƯỚNG ESG

Tại sao VSP cần phát triển nguồn nhân lực theo định hướng ESG?

VSP hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Đây là một ngành đặc thù khai thác từ thiên nhiên và có tác động đến môi trường, gắn bó chặt chẽ với từng yếu tố riêng lẻ được thể hiện trong ESG (Environmental – Social – Governance).

Hiện nay, xu hướng về phát triển bền vững được các tổ chức trên thế giới quan tâm và thực thi. Các vấn đề về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong ngành dầu khí đã được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong thang điểm ưu tiên. 




Dựa trên đánh giá rủi ro về ESG - ESG Risk Atlas do S&P Global Rating xuất bản 13/5/2019. Biểu đồ kết hợp mức độ tiếp xúc của từng ngành với rủi ro môi trường và xã hội, theo thang điểm từ 1 đến 6. Điểm gần với 1 thể hiện mức độ phơi nhiễm tương đối thấp, trong khi 6 cho thấy mức độ phơi nhiễm cao đối với môi trường và xã hội trên toàn ngành. Theo đó ngành khai thác dầu khí là ngành đứng đầu về mức độ rủi ro với môi trường & xã hội.

Do đó các chính sách công về ESG đã trở thành trọng tâm trong những năm gần đây và những tiến bộ trong công nghệ thân thiện với môi trường ra đời, ESG đã trở thành ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nhà khai thác dầu khí – những công ty hướng đến tương lai và sự phát triển bền vững (SDGs – Sustainable Development Goals). Các nghiên cứu gần đây của các tổ chức Tài chính và Ngân hàng thế giới cho thấy: những công ty dầu khí đã khai thác các nguồn tài nguyên để phục vụ cho cộng đồng và phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, nhưng chưa quan tâm đến các khía cạnh chung của phát triển bền vững sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh, chịu nhiều áp lực từ nhà đầu tư và chính phủ.

Vì vậy, theo đuổi những giá trị bền vững, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hướng theo các chỉ số đánh giá ESG là một mục tiêu mà VSP cần quan tâm. Mặt khác, trong nhiều nghiên cứu về đầu tư cho thấy định hướng phát triển theo ESG chính là điểm cộng để thu hút các nhà đầu tư, xây dựng các giá trị và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

VẬY ESG LÀ GÌ? 



ESG là bộ tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp trong quá trình vận hành công ty. Cụ thể được thể hiện ngắn gọn qua nội dung dưới đây:

Môi trường: Hành động của doanh nghiệp tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong suốt quá trình khai thác sản xuất, vận hành, quản lý.

Xã hội: Các mối quan hệ và danh tiếng được xây dựng qua những hoạt động của doanh nghiệp tại các cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động giữa doanh nghiệp với khách hàng, đối tác và người lao động.


Quản trị: Hệ thống giám sát, kiểm soát các hoạt động, quy trình và thông lệ cần thiết để quản trị doanh nghiệp và đưa ra các quyết định hiệu quả vì lợi ích chung của công ty.

Các yếu tố quan trọng của ESG gồm:

  • Environmental – Môi trường: quản lý đất, bảo tồn nguồn nước, giảm phát thải
  • Social – Xã hội: quản trị nguồn nhân lực, sự đa dạng tại nơi làm việc, cam kết cộng đồng
  • Governance – Hệ thống quản trị: Bảo mật dữ liệu, minh bạch & sự tham gia của nhà đầu tư , quản trị rủi ro.​

ESG ĐÃ ÁP DỤNG NHƯNG THẾ NÀO TẠI CÁC CÔNG TY KHAI THÁC DẦU KHÍ TRÊN THẾ GIỚI


​Petronas là một công ty dầu khí thuộc sở hữu của Malaysia, được trao toàn bộ quyền kiểm soát và khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ tại quốc gia này. Đến nay, Petronas đã phát triển thành một tập đoàn dầu khí lớn mạnh, nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Petronas là tập đoàn tiên phong trong việc áp dụng chiến lược sử dụng nguồn nhân lực con người, hoạt động vận hành quản trị xuất sắc, đổi mới công nghệ và một loạt các giải pháp năng lượng carbon thấp để đáp ứng lời kêu gọi thể hiện vai trò lãnh đạo trong các lĩnh lực Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) hướng đến Phát triển bền vững.


Từ phía Việt Nam, trong những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư về đầu tư bền vững và sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt sau cam kết của Việt Nam tại COP 26, các doanh nghiệp tư nhân - doanh nghiệp Nhà nước đã dần quan tâm tới ESG và thực hành các thông lệ ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các cấp độ khác nhau. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là một ví dụ điển hình cho việc quan tâm và định hướng đến ESG tại Việt Nam, ba yếu tố môi trường, xã hội, quản trị được ban lãnh đạo xem xét với trọng số như nhau vì Tập đoàn hiểu và đánh giá khi xem xét cả ba yếu tố này, kết quả hoạt động kinh doanh dài hạn tốt hơn và PVN cũng đã thiết lập cơ cấu quản trị ESG. Với ý nghĩa, tầm quan trọng cảu ESG, trong thời gian qua PVN đã chú trọng việc đào tạo ESG và các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, để CBCNV Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc cập nhật các vấn đề về chiến lược về các hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong điều kiện biến đổi khí hậu và hướng tới giảm phát thải ròng về 0 của DN, các quy định và hướng dẫn về tính bền vững cũng như các phương thức chuyển đổi tính bền vững thành giá trị DN. Từ hiểu, nhận thức đúng để từ đó sẽ có những hành động phù hợp trong thời gian tới ở từng đơn vị, từng vị trí cụ thể.


Một khóa đào tạo về ESG do PVN tổ chức cho cán bộ là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trong năm 2023

Dựa vào xu hướng của thế giới cũng như tại Việt Nam và đặc biệt là các định hướng từ PVN,  có thể nhận thấy Chiến lược đào tạo phát triển nhân viên VSP trong giai đoạn tới cần hướng đến các tiêu chí ESG, qua đó sẽ giúp năng lực đội ngũ tiệm cận với các yêu cầu của thế giới & khu vực.

QUẢN TRỊ TRI THỨC KM – KNOWLEGDE MANAGEMENT (KM)

Theo Từ điển Oxford, “Tri thức (knowledge) là những sự kiện, thông tin và kỹ năng mà con người có được qua trải nghiệm hoặc giáo dục; là sự hiểu biết lý thuyết hay thực tiễn về một chủ đề". Sự hình thành tri thức liên quan đến các quá trình nhận thức phức tạp: tri giác, truyền đạt, liên hệ và suy luận. Tri thức có thể coi là năng lực hiểu biết trong mỗi con người. Tri thức tồn tại trong mỗi cá nhân và được coi là tri thức ẩn (tacit knowledge). Tri thức ẩn tàng thường bao gồm: niềm tin, giá trị, kinh nghiệm, bí quyết, kỹ năng… Thách thức đối với doanh nghiệp đối với tri thức ẩn tàng là làm thế nào để nhận ra, tạo lập, chia sẻ và quản lý nó. Khi tri thức ẩn tàng được ghi ra dưới một hình thức nào đó như chữ viết, âm thanh, hình ảnh thì chúng trở thành tri thức tường minh (explicit knowledge). Đây là những tri thức đã được thể hiện ra ngoài và dễ dàng chuyển giao, thường được tiếp nhận qua hệ thống giáo dục và đào tạo.

Quản trị tri thức (Knowledge Management - KM) là một khái niệm và một thuật ngữ xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1990. Theo Kimiz Dalkir (2005) - một chuyên gia hàng đầu về quản trị tri thức định nghĩa: Quản trị tri thức được xác định ban đầu như là một quá trình áp dụng phương pháp tiếp cận hệ thống nhằm nắm bắt cấu trúc, quản lý và phổ biến tri thức thông qua một tổ chức nhằm nâng cao năng suất lao động, tái sử dụng các thực hành tốt nhất, và giảm các việc phải làm lại gây tốn kém. Quản trị tri thức được thực hiện thông qua các chu trình quản trị tri thức (KM Process). Đó là một quá trình chuyển đổi thông tin thành tri thức trong một tổ chức.

VÌ SAO NÊN XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC VÀ QUẢN TRỊ TRI THỨC CHO VIETSOVPETRO THEO ĐỊNH HƯỚNG ESG

Nhu cầu xây dựng hệ thống quản trị tri thức hướng theo tiêu chuẩn và xu thế của khu vực và thế giới, để chuyển giao và đào tạo phát triển đội ngũ kế cận của Vietsovpetro càng trở nên cần thiết. Hiện nay, ESG (Environmental – Social – Governance) là bộ tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp đang được các Tập đoàn năng lượng trên thế giới và các công ty trong nước lẫn ngoài nước hướng tới và triển khai áp dụng, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thiết kế kết hợp mô hình Quản trị tri thức (KM) và Đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo định hướng ESG sẽ mang lại các lợi ích sau:

​-Nâng cao việc chia sẻ, lưu giữ tri thức: áp dụng KM khuyến khích việc nhận diện, tạo ra và chia sẻ tri thức trong tổ chức. Điều này tạo điều kiện cho sự cộng tác, giải quyết vấn đề và ra quyết định, từ đó cải thiện hiệu quả công việc, đồng thời phát triển đội ngũ kế cận.

-Nâng cao khả năng thích ứng của tổ chức: bằng cách thu thập và lưu trữ tri thức, tổ chức có thể giảm rủi ro mất tri thức do sự ra đi hoặc nghỉ hưu của nhân viên. Hơn nữa, việc đào tạo có định hướng ESG trang bị cho nhân viên những kỹ năng và nhận thức cần thiết để đối phó với các thách thức môi trường và xã hội, từ đó giúp tổ chức điều hướng các yêu cầu quy định và kỳ vọng của xã hội.

-Nâng cao lợi thế cạnh tranh và xây dựng danh tiếng: các tổ chức quản lý tri thức hiệu quả và đề cao các nguyên tắc bền vững được coi là tiên phong và có trách nhiệm giúp thu hút khách hàng, nhà đầu tư.


Với những định hướng, mục tiêu và các lợi ích phân tích như trên, ngày 29/9/2023 Tổng giám đốc Vietsovpetro đã phê duyệt dự án “Xây dựng hệ thống quản trị tri thức và phát triển nguồn nhân lực của Vietsovpetro theo định hướng ESG". Dự án được bắt đầu triển khai trong năm 2024 trước dành cho nhóm tri thức bao gồm: Năng lực quản lý, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho toàn bộ VSP; Năng lực Quản trị Nhân sự dành cho Khối Tổ chức Nhân sự. Sau khi triển khai thực hiện các nhóm tri thức này, sẽ tiến hành đánh giá và thực hiện nhóm tri thức chuyên môn kỹ thuật thuộc các lĩnh vực của Vietsovpetro. Dự án sẽ được triển khai lộ trình lần theo các giai đoạn: Xác định các loại tri thức cần thiết để quản trị; Tạo tri thức thành các tài sản; Lưu trữ tri thức – Xây dựng hệ thống Elearning; Truyền thông – chia sẻ và lan tỏa tri thức; Ứng dụng tri thức vào công việc thực tế; Đánh giá báo cáo kết quả và hiệu quả của dự án.


Bà Lê Thị Lam Trà – Phó ban Quản trị nguồn nhân lực PVN đã chia sẻ và trao đổi với đội ngũ Khối TCNS VSP chuyên đề về ESG trong năm 2023

Ngay sau khi Tổng giám đốc Vietsovpetro phê duyệt dự án, tại hội thảo về công tác đào tạo dịch vụ ngoài tháng 10/2023, Phòng TCNS Bộ máy điều hành đã có một chuyên đề  “Những vấn đề đặt ra trong công tác quản trị nhân lực theo định hướng ESG với xu hướng chuyển dịch năng lượng" do bà Lê Thị Lam Trà – Phó ban Quản trị nguồn nhân lực PVN đã chia sẻ và trao đổi với đội ngũ Khối TCNS VSP. Bên cạnh đó, trong tháng 12/2023 Đảng ủy Vietsovpetro cũng đã tổ chức hội thảo “Định hướng đào tạo và phát triển Nguồn nhân lực VSP theo các tiêu chí ESG để nâng cao năng lực cạnh tranh". Tại hội thảo lãnh đạo Vietsovpetro đã nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn ESG (tiêu chuẩn để đo lường tác động của hoạt động kinh doanh đối với môi trường, cộng đồng và quản lý) đối với việc phát triển bền vững của doanh nghiệp nói chung, ngành dầu khí và Vietsovpetro nói riêng. Để bắt kịp xu hướng phát triển trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Vietsovpetro đã có những định hướng cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo tiêu chí ESG. Đảng ủy Vietsovpetro tổ chức buổi hội thảo nhằm truyền thông, cung cấp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ làm công tác đảng của Vietsovpetro và các đơn vị trực thuộc những thông tin khái quát về ESG và dự án Quản trị tri thức và phát triển nguồn nhân lực Vietsovpetro theo định hướng ESG mà Vietsovpetro đang xây dựng.


Đ/c Vũ Việt Kiều, Phó Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro phát biểu khai mạc hội thảo “Định hướng đào tạo và phát triển Nguồn NL VSP theo các tiêu chí ESG để nâng cao năng lực cạnh tranh" tháng 12 năm 2023

Trong bối cảnh toàn cầu hóa cạnh tranh khốc liệt, cùng với sự chuyển dịch năng lượng ngày càng mạnh mẽ, việc xây dựng một hệ thống quản trị tri thức và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả, đồng bộ  theo định hướng ESG là bước đi cần thiết và quan trọng đối với Vietsovpetro. Vietsovpetro đã đạt được nhiều thành tựu từ ngày thành lập cho đến nay, nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như việc thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của ngành và khu vực. Hướng tới tương lai, Vietsovpetro cần tiếp tục đầu tư vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực quản trị và kỹ năng chuyên môn. Cần chú trọng vào việc thu hút và giữ chân những nhân tài, để bảo đảm VSP luôn có một nguồn lực dồi dào, sáng tạo và đổi mới. Việc áp dụng mô hình quản trị tri thức KM (Knowledge Management) và đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo định hướng ESG sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững của Vietsovpetro.

​                                                            Bài viết: Phòng TCNS VSP


Tin nổi bật










Tin hoạt động đoàn thể
  • Xí nghiệp Cơ điện tổ chức giải cầu lông nội bộ năm 2024
  • 4/18/2024 10:03:53 PM