Thực hiện kế hoạch hoạt động của Công đoàn Xí nghiệp Vận tải biển & Công tác lặn. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Nữ công Xí nghiệp Vận tải biển & Công tác lặn đã tổ chức chuyến Về nguồn tại tỉnh Kon Tum, nơi có địa danh Đăk Tô - Tân Cảnh là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ở mảnh đất Tây Nguyên nắng gió. Chính nơi này, nửa thế kỷ về trước đã diễn ra những trận đánh anh dũng, kiên cường với những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những ngày cuối tháng 10, khi Tây Nguyên đã vơi dần những cơn mưa rừng, chỉ còn lại nắng và gió. Chúng tôi có chuyến công tác về nguồn tại mảnh đất Tây Nguyên ruột thịt. Đến mảnh đất nắng gió này, ai cũng thể hiện sự háo hức vì với nhiều người, đây là lần đầu tiên được đặt chân đến Tây Nguyên. Trong những ngày ở Tây Nguyên, chuyến đi lên huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu đậm nhất. Bởi, ở nơi biên viễn xa xôi này, di tích lịch sử Quốc gia Đăk Tô – Tân Cảnh là địa chỉ đỏ mà chúng tôi không thể bỏ qua.
Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh nằm trên một quả đồi có độ cao 600m, cách thị trấn Đăk Tô 1 km về hướng Tây Nam. Di tích nằm trên quốc lộ 14, đoạn từ thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) đi Ngọc Hồi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đăk Tô – Tân Cảnh là một trong những chiến trường ác liệt nhất của khu vực Tây Nguyên. Địch nhận định: "Ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được miền Nam và cả Đông Dương" nên chúng tập trung quân lực mạnh mẽ, xây dựng nơi đây thành cứ điểm bất khả xâm phạm. Chúng tự tin tuyên bố rằng: "Khi nào nước sông Pô Cô chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Tân Cảnh". Thế nhưng, dòng Pô Kô thì vẫn chảy xuôi và những người con đất Việt kiên cường, anh dũng đã lập nên chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh hiển hách vào năm 1972.
Theo sử sách ghi lại: Trận chiến bắt đầu vào 15h, ngày 23/4/1972, khi đó, pháo binh Quân Giải phóng nã đạn dồn dập vào căn cứ Tân Cảnh, cứ điểm mạnh nhất của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Tiếp đến, rạng sáng ngày 24/4/1972, xe tăng T-54 xông thẳng qua thị trấn Tân Cảnh, lao lên mở cửa phía Đông căn cứ Tân Cảnh. Với những đòn đánh bất ngờ đã làm cho đối phương hoảng loạn, đến 5h55', ngày 24/4/1972, Quân Giải phóng đã chiếm được thị trấn Tân Cảnh. Lúc này, cuộc chiến đấu ở căn cứ E42 Tân Cảnh diễn ra dữ dội. Đến 11h, ngày 24/4/1972, Trung đoàn 66 Quân giải phóng đã làm chủ căn cứ Tân Cảnh. Đây là chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, làm tan vỡ cứ điểm chiến lược quan trọng của Mỹ - Ngụy ở vùng cực Bắc Tây Nguyên, giải phóng một vùng đất rộng lớn với hàng ngàn dân, làm thay đổi cục diện tình hình giữa ta và địch, buộc Mỹ - Ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris ngày 27/1/1973.
Đến thăm di tích này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với hai chiếc xe tăng được trưng bày ngoài trời ở hai bên Tượng đài chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Chiếc xe tăng với số hiệu 377 và xe pháo tự hành 472 là biểu tượng cho chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh của gần 50 năm về trước với những chiến tích oai hùng. Trong đó, xe tăng số hiệu 377, thuộc Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn 297, nay là Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Quân đoàn 3. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên xuân - hè năm 1972, chiếc xe tăng này đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xe pháo tự hành 472 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp đã phối hợp với Tiểu đoàn Tăng 297 và bộ binh tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm E42 của địch, làm nên chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày nay, khi chiến tranh đã lùi vào trong quá khứ, bãi chiến trường khốc liệt ngày nào giờ đã hiện hữu sắc xanh ấm no, trù phú. Còn di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn mãi là niềm tự hào về ý chí chiến đấu, chiến thắng, chẳng ngại hy sinh xương máu vì nền độc lập của người Việt. Đối với đoàn nữ công chúng tôi, chỉ một lần đặt chân đến nơi đây, nhưng ấn tượng và niềm tự hào sâu sắc đối với những thế hệ cha anh đi trước vẫn còn mãi trong lòng chúng tôi.
Tin và ảnh: Ngọc Lan
Một số hình ảnh của Đoàn tại Khu Di tích Đăk Tô - Tân Cảnh