Sign In

tin tức - sự kiện



Ông Phạm Xuân Sơn – Phó Tổng giám đốc phụ trách Địa chất trả lời phỏng vấn của Đài TH tỉnh BR-VT

 

  1.  Thưa Ông, trong chặng đường xây dựng và phát triển của Vietsovpetro, những thành tựu nào có thể coi là nổi bật nhất?

    Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro, có thể nói thành tựu to lớn nhất Vietsovpetro có được là đã tổ chức thành công công tác điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí trên thệm lục địa Việt Nam. Tiến hành công tác nghiên cứu địa chất – địa vật lý trên hàng chục lô hợp đồng và phát hiện 9 mỏ dầu khí có giá trị công nghiệp với trữ lượng thu hồi quy dầu hơn 300 triệu tấn. Thành công này có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính bản lề là đã khai sinh một nền công nghiệp mới cho đất nước, công nghiệp thăm dò – khai thác dầu khí, cũng như xác lập quy mô tầm vóc to lớn của Vietsovpetro nói riêng và Tập đoàn Dầu khí Việt nam nói chung như ngày hôm nay.

    Trên cơ sở trữ lượng dầu khí đã phát hiện, Vietsovpetro đã xây dựng một hệ thống công nghệ hoàn chỉnh phục vụ cho công tác khoan, khai thác, xử lý, thu gom, vận chuyển, tàng trữ và xuất bán dầu khí với 5 giàn khoan di động, 2 giàn công nghệ trung tâm, 11 giàn khoan – khai thác cố định và 30 giàn nhẹ. Đã tiến hành xây dựng và đưa vào vận hành trên 800 km đường ống nội mỏ. Đã tiến hành khoan khoảng 500 giếng khai thác. Đến nay, sau 35 năm kể từ thời điểm khai thác dòng dầu công nghiệp đầu tiên vào năm 1986, Vietsovpetro đã khai thác hơn 240 triệu tấn dầu, cung cấp vào bờ trên 40 tỷ mét khối khí đồng hành.

    Hoạt động thăm dò – khai thác dầu khí của Vietsovpetro có ý nghĩa kinh tế - xã hội vô cùng to lớn: nguồn thu ngoại tệ của Vietsovpetro đã góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đến hết năm 2020 Vietsovpetro đã đạt mức doanh thu từ dầu thô gần 80 tỷ đô la Mỹ, nộp vào ngân sách Nhà nước gần 50 tỷ đô la Mỹ.

    Mặt khác, sự phát triển hiệu quả của Vietsovpetro đã là nhân tố kích thích, lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào công tác thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam. Đến nay, ngoài Vietsovpetro còn có hàng chục công ty khác đang thăm dò và khai thác dầu khí trong khuôn khổ hợp đồng phân chia sản phẩm, góp phần nâng cao sản lượng khai thác dầu khí của đất nước lên trên 20 triệu tấn quy đổi hàng năm, mở rộng vùng hoạt của PetroVietnam, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

    Bên cạnh đó, từ sự phát triển của Vietsovpetro nói riêng và của ngành dầu khí nói chung đã tạo ra động lực thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác phát triển, như khí-điện-đạm, cơ khí chế tạo-lắp ráp, lọc hóa dầu, công nghiệp tàu biển và các dịch vụ dầu khí khác. Trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sau hơn 30 năm, công nghiệp dầu khí đã có tác động không nhỏ đến việc thay đổi căn bản về cơ sở hạ tầng, về cơ cấu kinh tế của địa phương.

    Về phát triển nguồn nhân lực, Vietsovpetro đã thu hút một lượng lớn lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có trình độ tay nghề cao. Nếu như năm 1981, phần lớn lao động và các vị trí chủ chốt trong hoạt động của Vietsovpetro là do Liên Xô nắm giữ, thì hiện nay trên 90% lao động là người Việt Nam. Điều đáng lưu ý là hầu hết các vị trí chủ chốt trong quản lý, trong dây chuyền công nghệ và kỹ thuật là do người Việt Nam đảm nhiệm, lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam hiện nay đã làm chủ kỹ thuật và công nghệ, hoàn toàn có thể tự thực hiện tất cả các công việc trong hoạt động dầu khí.

    Về hội nhập và hợp tác quốc tế, Vietsovpetro là biểu tượng của tình hữu nghị truyền thống và hợp tác quốc tế trong sáng giữa Việt Nam, Liên Xô trước đây và Liên Bang Nga ngày nay. Vietsovpetro cũng là đối tác tin cậy của nhiều bạn hàng, nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới. Những thành quả đạt được của Vietsovpetro đã từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phạm vi hoạt động, vươn ra thị trường dầu khí bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
  2. Được biết hiện nay, mỏ Bạch Hổ, Rồng đã qua thời kỳ khai thác đỉnh, vậy Vietsovpetro đang gặp phải những khó khăn nào trong sản xuất kinh doanh, thưa Ông?

    Khó khăn thứ nhất phát xuất từ quy luật của lòng đất: sau gần 35 năm chúng ta đã khai thác trên 80% trữ lượng dầu khí. Các mỏ chính của Vietsovpetro đã bước vào thời kỳ suy giảm nhanh, có động thái phức tạp, khó dự báo.

    Khó khăn thứ hai là hệ thống công nghệ khai thác ngoài biển phần lớn đã hoạt động trên dưới 30 năm, trong khi tuổi thọ theo thiết kế là 25 năm, đòi hỏi phải đầu tư, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng liên tục.

    Thứ ba là giá dầu đã giảm sâu và chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Bên cạnh đó dịch bệnh COVID toàn cầu trong hơn 1 năm qua đã tác động không nhỏ đến chuổi cung ứng vật tư, thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro.
  3. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức như vậy, để có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Vietsovpetro đã có những giải pháp nào, thưa Ông?

    Một là, phải thực hiện nghiêm túc các quy trình, kỷ luật công nghệ, đảm bảo hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị hoạt động liên tục, an toàn trong điều kiện “bình thường mới".

    Hai là, nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp địa chất – kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất khai thác dầu của từng giếng khoan, từng vỉa sản phẩm. Đảm bảo các mỏ dầu hoạt động với hệ số thu hồi cao nhất.

    Ba là, tăng cường công tác nghiên cứu địa chất để tìm hiểu đánh giá, tận thăm dò và thăm dò mở rộng các vỉa dầu tiềm năng, gia tăng trữ lượng và sớm đưa vào khai thác,

    Bốn là, tiếp tục tối ưu hóa các quy trinh công nghệ, tăng cường các hoạt động sáng kiến, sáng chế, tiết giảm chi phí, phù hợp với điều kiện giá dầu biến động khó lường như hiện nay.

    Năm là, tiếp tục công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng tốt với những thách thức khó khăn để không những hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2021 mà còn chuẩn bị cho lực lượng kế thừa trong giai đoạn tiếp theo.

    Xin cảm ơn Ông vì cuộc phỏng vấn này! ​


Tin nổi bật