Sign In

tin tức - sự kiện


​Trong 3 ngày 2-4/04/2021, Đảng ủy Bộ máy Điều hành đã tổ chức chương trình về nguồn – sinh hoạt chuyên đề tại Quảng Ngãi – Lý Sơn cho các đồng chí ủy viên BCH, đảng viên các chi bộ trực thuộc và các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Vietsovpetro. Đây là dịp để các thành viên ôn lại quá khứ vẻ vang của dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ cha anh.

Đoàn do đồng chí Trần Quốc Thắng - Bí thư Đảng ủy Bộ máy Điều hành làm trưởng đoàn đã đến tham quan Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tọa lạc tại làng Thi Phổ, thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Tại đây, đoàn đã dâng hương, đặt vòng hoa để tưởng nhớ đến cố Thủ tướng, người học trò xuất sắc, người đồng chí tin cậy, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương núi Ấn sông Trà. Đoàn đã được nghe giới thiệu về gia đình, tuổi ấu thơ và xem những tư liệu về quá trình hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng - nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam.

Khu lưu niệm được xây dựng từ ngôi nhà của song thân của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chính tại ngôi nhà ngày, vị Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được sinh ra và trải qua những tháng ngày thơ ấu. Từ sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trần năm 2000, ngôi nhà trở thành nhà lưu niệm, đón đồng bào cả nước và du khách quốc tế đến thăm. Khu lưu niệm hiện còn lưu giữ được nhiều kỷ vật của gia đình cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như án thờ, án thư, tràng kỷ, phản…và hình ảnh, sách, báo trong quá trình hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng. Đặc biệt, Khu lưu niệm còn trưng bày nhiều hình ảnh thể hiện tình cảm của cố Thủ tướng đối với quê nhà Mộ Đức, Quảng Ngãi cũng như tình cảm của nhân dân xứ Quảng đối với cố Thủ tướng. Khu lưu niệm được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2006.



Đoàn lắng nghe thuyết minh về quá trình hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Suốt 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 năm là Thủ tướng Chính phủ,  đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ông cũng là người học trò xuất sắc, người đồng chí thân cận, người nghiên cứu và thực hành mẫu mực tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Về thăm Khu lưu niệm, nhìn lại những hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mỗi thành viên trong đoàn cảm nhận sâu sắc hơn về bản lĩnh, tài năng, nhân cách của ông, một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.


Đoàn chụp ảnh trước nhà lưu niệm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Địa chỉ “đỏ" thứ 2 mà đoàn dừng chân và cũng là nơi để lại nhiều cảm xúc nhất chính là Khu chứng tích Sơn Mỹ, thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Đây là nơi vừa gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, vừa là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ, hay còn gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai. Vụ thảm sát dân thường kinh hoàng này do đại đội Charlie, một lực lượng của quân đội Hoa Kỳ thực hiện với mục tiêu “giết tất cả những gì chuyển động" vào sáng ngày 16/03/1968. 


Các thành viên trong đoàn lắng nghe hướng dẫn viên kể lại vụ thảm sát

Nguyên nhân của cuộc tấn công vào 2 ngôi làng xuất phát từ lí do là sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta, thông tin tình báo của Mỹ cho rằng tiểu đoàn 48 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hiện đang trú ẩn ở làng Sơn Mỹ. Cho nên, quân đội Mỹ ra lệnh tấn công vào các làng, để “tìm và diệt việt cộng", đốt nhà cửa, giết vật nuôi và đầu độc tất cả các giếng nước.

Trước khi quân Mỹ đổ bộ xuống, nơi đây là những ngôi làng trù phú, rợp bóng cây xanh. Thế nhưng chỉ sau 4 giờ đồng hồ, lính Mỹ đã giết hại gần như toàn bộ dân làng (504 người) ở thôn Tư Cung và xóm Gò, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, đốt tất cả nhà cửa, phá hủy ruộng vườn…, biến hai ngôi làng vốn bình yên và trù phú này trở thành một vùng đất chết.  


Chụp ảnh lưu niệm trước Khu chứng tích

Năm 1978, khu chứng tích này được xây dựng để ghi nhớ tội ác chiến tranh, là di tích thảm sát duy nhất tại Việt Nam còn giữ được những bức ảnh, vật chứng quan trọng. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay khu chứng tích có diện tích 2,4ha, nằm tách biệt với nhà dân bao gồm các di tích gốc đã được bảo tồn, tôn tạo và các công trình về sau này mới được xây dựng như: Nhà trưng bày, tượng đài, tượng vườn, tháp canh, gốc cây gòn, hầm chống pháo, mộ chôn tập thể của các nạn nhân bị thảm sát.

53 năm đã trôi qua…Thời gian có thể làm nguôi ngoai những nỗi đau, có thể tha thứ nhưng tất cả chúng ta, không ai có quyền được lãng quên. Sơn Mỹ đã trở thành một trung tâm tư liệu về sự kiện: Khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi lưu giữ những tư liệu về cuộc chiến, nỗi đau của những người đã ngã xuống, những người còn ở lại để nhắc nhở chúng ta về quá khứ bi hùng của dân tộc. Tại đây, Đoàn đã dâng hương lên Tượng đài và dành một phút mặc niệm trong âm vang của tiếng chuông được gióng lên cầu nguyện linh hồn 504 nạn nhân Sơn Mỹ và ước vọng về một thế giới hòa bình - nền tảng lâu dài cho một tương lai bền vững.

Trong hành trình của chuyến về nguồn, đoàn đã đến với đảo Lý Sơn - vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc, nơi có địa danh văn hóa giàu giá trị lịch sử không thể bỏ qua, đó là Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải, còn gọi là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ðây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật được sưu tầm, phục dựng gắn với đội hùng binh Hoàng Sa cách đây hơn 400 năm, nơi nhắc nhớ mỗi người về chủ quyền Đất nước và niềm tự hào dân tộc.


Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước Bức tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm trong khuôn viên Nhà trưng bày

Được khởi công xây dựng từ năm 2010, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tọa lạc trong khuôn viên thoáng đãng. Ngay giữa khuôn viên là cụm tượng đài uy nghiêm, sừng sững được tạc từ các khối đá lớn. Tượng hướng mặt ra Biển Ðông với dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa" khẳng định chủ quyền đất nước trên vùng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phía sau khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu" (dịch nghĩa: Hoàng Sa có vị trí cực kỳ hiểm yếu đối với biên giới của quốc gia), trích từ chiếu vua Minh Mạng ban vào năm Minh Mạng thứ 17.

Những dấu mốc, hiện vật gắn liền hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa đều được thể hiện khá rõ nét tại Nhà trưng bày. Đoàn đã được tận mắt chiêm ngưỡng hơn 100 hiện vật cũng như sử liệu về chủ quyền, hoạt động của Hải đội Hoàng Sa. Các hiện vật được tổ chức theo ba nội dung: “Lý Sơn - Tịnh Kỳ - quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa"; “Quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa, Trường Sa"; “Tư liệu, bản đồ trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa". Trong đó, trưng bày nhiều bản đồ cổ của Việt Nam như: Ðại Nam nhất thống toàn đồ, An Nam đại quốc họa đồ; các bản đồ cổ của thế giới và của Trung Quốc. Tất cả đều là các tài liệu thuyết phục, cho thấy bằng chứng rõ ràng và mang tính pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong một ngày đêm lưu trú tại Lý Sơn, Đoàn đã tham quan Chùa Hang, thắng cảnh Hang Câu, núi Thới Lới và cột Cờ quốc gia, trò chuyện và lắng nghe những người dân đảo kể về cuộc sống mưu sinh, về đặc sản tỏi nổi tiếng, về lịch sử của thế hệ cha anh giữ đảo với niềm kiêu hãnh, tự hào.  Điều đáng quý là trải qua bao biến thiên của lịch sử, các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại và được giữ gìn nguyên vẹn đến tận bây giờ. Cảm nhận khi đặt chân lên Lý Sơn là vùng đất nằm chơi vơi giữa biển quanh năm đối chọi với sóng to gió lớn và muôn trùng bất trắc của biển khơi nhưng vẫn đầy kiêu hãnh vì đã ôm vào lòng những dấu ấn văn hóa – lịch sử của hàng nghìn năm trước, theo thời gian không bị phai mờ.


Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cột Cờ quốc gia trên đỉnh núi Thới Lới


Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại thắng cảnh Hang Câu

Chuyến hành trình về nguồn tại các địa chỉ “đỏ" ở Quãng Ngãi thật sự ý nghĩa đối với mỗi thành viên. Chuyến đi tuy ngắn nhưng đã để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng khó phai bởi đó là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, để mỗi thành viên tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, biết ơn những thế hệ cha anh đã ngã xuống để khẳng định chủ quyền dân tộc, từ đó tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để tự hoàn thiện bản thân. Thông qua hoạt động về nguồn, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và có thêm động lực để rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


                                                           Tin & Ảnh: Đảng ủy Bộ máy Điều hành


Tin nổi bật