Sign In

tin tức - sự kiện



Ngày 15/05/2024 LD Việt-Nga Vietsovpetro (LD Vietsovpetro) đón nhận sự kiện quan trọng – cột mốc sản lượng khai thác dầu đạt 250 triệu tấn. Trong thành quả chung, không thể không nhắc đến vai trò của công tác vận hành khai thác mỏ, trong việc đảm bảo sản lượng khai thác. Nhân sự kiện đón nhận cột mốc khai thác 250 triệu tấn dầu, chúng ta hãy cùng điểm lại những sự kiện về khai thác, vận hành khai thác mỏ gắn liền với các cột mốc khai thác dầu của LD Vietsovpetro trong suốt hành trình 43 năm hoạt động.

Năm 1981 Xí nghiệp Liên doanh (XNLD) Vietsovpetro được thành lập trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam. Ngày 31/12/1983, XNLD Vietsovpetro bắt đầu khoan giếng khoan thăm dò đầu tiên - giếng số 5 tại mỏ Bạch Hổ bằng tàu khoan Mikhain Mirchink và ngày 24/05/1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp trên giếng khoan này. Đến ngày 21/06/1985 tiếp tục phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên tại cấu tạo Rồng (phát triển thành mỏ Rồng sau này) tại giếng khoan thăm dò số 1.

Lễ ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam - Mátxcơva, Điện Kremlin, ngày 03/07/1980

Giai đoạn chuẩn bị đưa vào khai thác

Ngày 31/03/1984 khởi công lắp ráp chân đế giàn số 1 – giàn khoan cố định (MSP) đầu tiên của XNLD Vietsovpetro. Để chuẩn bị cho việc khai thác thử, theo Nghị quyết HĐ XNLD Vietsovpetro ngày 29-31/10/1984, “Phân xưởng khai thác thử công nghiệp các giếng" đã được thành lập trực thuộc Cục khoan biển, đến Hội đồng VI ngày 29-31/10/1984 thành lập “Xưởng khai thác dầu khí" tách ra từ Cục Khoan biển. Trạm rót dầu không bến №1 tại mỏ Bạch Hổ với hệ thống đường ống ngầm từ giàn cố định MSP-1 được xây dựng và hoàn thành, đồng thời năm 1986 XNLD Vietsovpetro đã thực hiện thuê tàu Crưm (sau khi hoán cải thành tàu chứa và xử lý dầu FSO tại Singapore năm 1985) và đưa vào lắp đặt tại trạm rót dầu không bến №1 để phục vụ cho gọi dòng và khai thác thử công nghiệp các giếng.

Ngày 26/06/1986 - Bắt đầu đưa vào khai thác thử công nghiệp

Bắt đầu khai thác thử công nghiệp các giếng khoan khai thác sớm bằng việc đưa giếng khoan số 1 vào khai thác, tiếp theo đưa các giếng 28 và 22 trên giàn 1. Đến ngày 25/11/1986 tiếp tục đưa giàn cố định số 3 vào khai thác với giếng khai thác đầu tiên 63. Ngày 26/03/1987 XNLD Vietsovpetro đã thực hiện xuất giao lô hàng dầu thô đầu tiên, đến ngày 07/08/1987 tiếp tục đưa giàn số 4 vào khai thác (với giếng khai thác 89 đầu tiên). Trong giai đoạn này, công tác vận hành khai thác mỏ được thực hiện theo “Sơ đồ khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ" do Viện NCKH&TK dầu khí Xakhalin Liên Xô thực hiện năm 1982 và “Sơ đồ công nghệ khai thác khu vực ưu tiên vòm Bắc mỏ Bạch Hổ" do Viện nghiên cứu KH&TK LD Vietsovpetro thực hiện và phê duyệt năm 1997 với các vỉa trầm tích mỏ Bạch Hổ. Dầu được khai thác trên các giàn khoan cố định, qua hệ thống công nghệ được bơm sang giàn công nghệ trung tâm để xử lý, sau đó được bơm sang trạm rót dầu không bến và ra tàu chứa. Tuy nhiên, lưu lượng các giếng khai thác vỉa trầm tích đưa vào không như kỳ vọng, giàn công nghệ trung tâm chưa được hoàn thành, dầu khai thác trên các giàn cố định với hệ thống công nghệ tách khí và chất lỏng được bơm trực tiếp ra FSO Crưm xử lý thông qua các đường ống ngầm. Ngày 07/07/1987 bắt đầu đưa vào thử nghiệm bơm ép nước đối với trầm tích Mioxen vòm Nam (nay là vòm Trung Tâm) từ giếng 22 giàn 1, sử dụng máy bơm ly tâm - đánh dấu công tác tối ưu hoá trạng thái khai thác mỏ đầu tiên cho đối tượng khai thác này.


Một thời điểm rất quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong công tác thăm dò, khai thác dầu khí và đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của LD Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí Việt Nam nói chung - ngày 11/05/1987 phát hiện ra dầu từ tầng Móng mỏ Bạch Hổ (từ giếng khoan thăm dò số 6) và đến ngày 06/09/1988 chính thức bắt đầu khai thác dầu từ tầng Móng (từ giếng số 1 của giàn 1 sau khi sửa giếng).

Ngày 14/09/1988 bắt đầu thực hiện bơm ép nước đối với tầng Mioxen vòm Bắc và 09/09/1988 đối với tầng Oligoxen mỏ Bạch Hổ. Ngày 04/10/1988 hoàn thiện kết nối đưa giàn số 5 vào khai thác (bắt đầu với giếng 116).

Ngày 29/12/1988  - Khai thác tấn dầu thứ 1 triệu

Sau khi phát hiện dầu trong tầng Móng từ giếng thăm dò số 6 và sau đó được khẳng định thông qua việc quyết định tiến hành sửa chữa giếng khoan số 1 giàn 1 để thử lại đối tượng Móng, thì giếng khoan thăm dò số 2 đã được thiết kế để khoan xác nhận lại ranh giới của Móng khu vực Trung Tâm và phía Nam. Sau đó giếng khoan số 2 được đưa vào khai thác và là giếng khoan cho sản lượng lớn nhất đến hiện tại. Từ đó, chiến lược khai thác, công tác vận hành khai thác mỏ thay đổi tập trung vào phát triển đối tượng khai thác phi truyền thống này với việc liên tiếp hoàn thiện và đưa các giếng khai thác tầng Móng trên giàn nhẹ BK-2 (năm 1989 – sau khi không thể hoàn thành xây dựng giàn cố định MSP-2 do sự cố khi đánh chìm block OB-1), phát triển các giàn nhẹ BK-1 (năm 1990), BK-3 (năm 1992). Hệ thống khai thác tầng Móng được hình thành và từng bước được tiếp cận, điều chỉnh liên tục phù hợp với trạng thái khai thác của đối tượng. Hệ thống khai thác đầu tiên được thiết kế thể hiện trong “Sơ đồ khai thác thử nghiệm thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ năm 1990".

Năm 1989 LD Vietsovpetro mua lại tàu chứa dầu Crưm và đổi tên thành Chí Linh (giấy chứng nhận số 030/PC ngày 24/10/1989 của bộ Giao thông vận tải) – đánh dấu sự hình thành và phát triển đội tàu chứa dầu riêng của XNLD Vietsovpetro. Liên tiếp các năm 1989, 1990, 1991 và 1992 các giàn cố định MSP-6, 7, 8 và 9 được hoàn thiện và đưa vào vận hành.


Ngày 02/03/1992  - Khai thác tấn dầu thứ 10 triệu

Việc liên tiếp đưa các giếng tầng Móng mỏ Bạch Hổ vào khai thác làm sản lượng khai thác gia tăng không ngừng. Dầu khai thác từ các giếng Móng tại các giàn nhẹ BK tăng nhanh nên phải vận chuyển về giàn MSP-1 xử lý. Khi đó tổng lượng dầu thô từ các giếng tại MSP-1 và BK đã vượt công suất xử lý 2400 tấn/ngày đêm của giàn MSP-1, đòi hỏi LD Vietsovpetro phải cấp bách thiết kế và xây dựng giàn công nghệ trung tâm – năm 1993 giàn công nghệ Trung tâm CPP-2 được hoàn thiện và đưa vào hoạt động (bên cạnh BK-2) với công suất thiết kế xử lý 5 triệu tấn dầu thô/năm (khoảng 14,300 tấn dầu/ngày đêm. Với việc đưa vào vận hành giàn công nghệ trung tâm CPP-2, dầu khí được khai thác trên các giàn cố định và các giàn nhẹ, được thu gom qua hệ thống công nghệ trên giàn và bơm sang giàn công nghệ trung tâm để xử lý, sau đó từ giàn công nghệ trung tâm bơm ra các trạm rót dầu không bến và vào tàu chứa (FSO).

Tuy nhiên, sau 5 năm khai thác thử nghiệm, sản lượng khai các giếng tầng Móng này suy giảm mạnh do suy giảm áp suất vỉa khi khai thác ở chế độ tự nhiên. Tháng 06/1993 bắt đầu thử nghiệm bơm ép nước đối với tầng Móng mỏ Bạch Hổ (từ giếng 421 trên MSP-2), năm 1994 giải pháp bơm ép nước chính thức được đưa vào áp dụng nhằm duy trì áp suất vỉa và đẩy dầu. Hiệu quả áp dụng giải pháp bơm ép nước đối với tầng Móng mỏ Bạch Hổ phản ánh rõ nét qua sản lượng khai thác của các giếng được duy trì. Các giếng khai thác của đối tượng Móng trên các giàn cố định và giàn nhẹ BK tiếp tục được bổ sung, năm 1994 tiếp tục hoàn thiện và đưa vào vận hành BK-4, năm 1996 đưa thêm BK-5 và BK-6.

Để chuẩn bị đưa mỏ Rồng vào khai thác, năm 1992 XNLD Vietsovpetro trang bị thêm FSO Chi Lăng neo đậu tại trạm rót dầu không bến №3 mỏ Rồng. Ngày 11/12/1994 chính thức đưa mỏ Rồng vào khai thác (bắt đầu từ giếng 101 giàn RP-1). Khác với trạng thái năng lượng vỉa và tính chất hoá lý của dầu mỏ Bạch Hổ, dầu vỉa trầm tích mỏ Rồng có áp suất vỉa thấp, hệ số khí dầu thấp, tỷ trọng cao, nên sau khi đưa vào khai thác, năm 1994 đã thử nghiệm giải pháp bơm điện ly tâm ngầm cho 6 giếng trên giàn RP-1 (giếng 104, 105, 109, 112, 116). Năm 1996 cũng đánh dấu việc đưa đối tượng Móng khu vực Đông–Nam mỏ Rồng vào khai thác bằng việc hoàn thiện và đưa giàn nhẹ RC-2 vào vận hành.

Nhằm đáp ứng sự mở rộng và phát triển khai thác, năm 1994 LD Vietsovpetro trang bị thêm tàu FSO Ba Vì cho đội tàu, neo đậu tại trạm rót dầu không bến №2 thuộc mỏ Bạch Hổ. Hệ thống bơm ép nước duy trì áp suất vỉa cũng đã được thiết kế và từng bước hoàn thiện với việc tháng 03/1995 đưa tổ hợp bơm ép vỉa PPD 5000 trên giàn MSP-8 và MSP-9 vào hoạt động cùng hệ thống đường ống nước bơm ép ngầm, đến tháng 06/1996 tiếp tục đưa giàn bơm ép vỉa trung tâm PPD 40 000 vào vận hành.

Ngày 16/04/1995 thực hiện first-gas hệ thống fast-track trên CPP-2 – đánh dấu thời điểm bắt đầu đưa khí đồng hành về bờ, đến 28/02/1997 đưa giàn nén khí Nhỏ (lắp đặt trên giàn MSP-4) và 31/07/1997 đưa giàn nén khí Trung tâm vào hoạt động - khí đồng hành mỏ Bạch Hổ được thu gom, nén và đưa về bờ.


Ngày 12/10/1997  - Khai thác tấn dầu thứ 50 triệu

Đối tượng khai thác Móng mỏ Bạch Hổ tiếp tục được mở rộng và phát triển, năm 1998 hoàn thiện và đưa vào khai thác các giếng trên giàn BK-8 thuộc Móng khu vực phía Nam mỏ Bạch Hổ.

Hầu hết các giếng khai thác trầm tích chỉ sau một thời gian ngắn khai thác ở chế độ tự nhiên, lưu lượng giếng giảm mạnh do suy giảm áp suất vỉa, giếng phải chuyển sang giai đoạn khai thác thứ cấp. Năm 1988 thực hiện thử nghiệm khai thác bằng máy bơm piston thuỷ lực ngầm cho giếng 21 và 28 của giàn 1. Khi thử nghiệm máy bơm liên tục hỏng do khí tự do xâm nhập và áp suất bơm cao. Giai đoạn từ năm 1991 đến 1996 thực hiện thử nghiệm khai thác bằng bơm điện ly tâm ngầm cho 10 giếng trên giàn MSP-1, 3, 4 và 6, nhưng thời gian làm việc liên tục của máy bơm thấp (chỉ 265/365 ngày), máy bơm thường xuyên hỏng hóc do ảnh hưởng của khí tự do, nhiệt độ vỉa cao, cát và tạp chất cơ học xâm nhập và đặt biệt lượng tiêu thụ điện tại thời điểm đó lớn chưa thể đáp ứng. Đến năm 1993 cũng đã tiến hành thử nghiệm khai thác bằng gaslift không cần máy nén cho các giếng khai thác trên giàn 1 bằng việc sử dụng nguồn khí đồng hành từ giếng khai thác có lưu lượng và áp suất cao (giếng 403), tuy nhiên giải pháp khai thác này tồn tại nhiều hạn chế và cũng không khả thi vì áp suất khí đồng hành sau khi tách để sử dụng thấp và sự phân bố của các giếng có lưu lượng cao. Đến năm 1997 chính thức áp dụng đại trà phương pháp khai thác dầu bằng gaslift cho toàn bộ mỏ khi giàn nén khí Nhỏ và giàn nén khí Trung tâm được đưa vào vận hành cùng với hệ thống đường ống dẫn khí gaslift, cụm phân dòng lắp đặt trên các giàn, thiết bị lòng giếng được bổ sung và hoàn thiện – đây là giải pháp khai thác hiệu quả và phù hợp nhất với điều kiện hiện tại của XNLD Vietsovpetro.

Ngày 21/11/2001  - Khai thác tấn dầu thứ 100 triệu

Đối tượng khai thác móng mỏ Bạch Hổ tiếp tục được phát triển và sản lượng khai thác chủ yếu từ đối tượng khai thác này. Việc áp dụng thành công bơm ép nước duy trì áp suất vỉa giúp cho sản lượng khai thác chung được duy trì và tiếp tục gia tăng trong các năm tiếp theo, các cột mốc về sản lượng khai thác liên tiếp đạt được, chỉ sau 4 năm khai thác tấn dầu thứ 50 triệu (ngày 12/10/1997), vào ngày 21/11/2001 khai thác tấn dầu thứ 100, năm 2002 sản lượng khai thác đạt đỉnh – 13.5 triệu tấn/năm. Năm 2003 tiếp tục hoàn thiện và đưa giàn BK-7, BK-9 với các giếng khai thác tầng Móng Trung tâm mỏ Bạch Hổ, mở rộng phát triển đối tượng Móng Đông-Nam mỏ Rồng bằng việc hoàn thiện và đưa giàn cố định RP-3 vào khai thác.

Năm 2003 hoàn thiện và đưa vào khai thác giàn công nghệ trung tâm CPP-3 cùng giàn bơm ép vỉa PPD 30000. Đến giai đoạn này, hệ thống khai thác, thu gom, vận chuyển đã được phát triển và hoàn thiện, hình thành lên hệ thống công nghệ, hệ thống đường ống nội mỏ và liên mỏ dẫn dầu/nước/khí ngầm dưới đáy biển, kết nối thành một hệ thống công nghệ liên hoàn, khép kín như hiện tại.


Sơ đồ hệ thống thu gom hoàn thiện - giai đoạn 4 (từ 2003 – đến nay)

Ngày 12/04/2005  - Khai thác tấn dầu thứ 150 triệu

Với hệ thống khai thác đã hoàn thiện, sản lượng khai thác đối tượng Móng mỏ Bạch Hổ được duy trì, cùng với sự bổ sung sản lượng khai thác từ đối tượng Móng Đông-Nam mỏ Rồng cũng chỉ sau 4 năm, sản lượng khai thác đạt mốc 150 triệu tấn.

Sau khi đạt đỉnh, sản lượng khai thác bắt đầu đi vào giai đoạn suy giảm, tốc độ suy giảm sản lượng khai tăng nhanh trung bình 1 triệu tấn/năm. Sản lượng suy giảm chủ yếu do sản lượng khai thác của tầng Móng Bạch Hổ suy giảm. Việc bơm ép nước bên cạnh áp suất vỉa được duy trì cũng dẫn tới việc xuất hiện nước và ngập nước tại các giếng khai thác. Sau khi chính thức được đưa vào bơm ép, tháng 06/1995 tầng Móng Bạch Hổ bắt đầu xuất hiện nước (ghi nhận đầu tiên tại giếng khai thác 409 giàn BK-2), từ năm 2002 tốc độ ngập nước bắt đầu tăng và đến năm 2006 tốc độ ngập nước tăng nhanh.

Để chặn đà suy giảm sản lượng, các giải pháp đồng bộ đã được nghiên cứu và triển khai: tiếp tục mở rộng phát triển khai thác tầng Móng mỏ Bạch Hổ xuống phía Nam bằng việc hoàn thiện và đưa giàn BK-10 vào khai thác năm 2007, đưa BK-14 vào năm 2010; phát triển khai thác móng và trầm tích khu vực Đông-Bắc mỏ Bạch Hổ - đưa khai thác giàn BK-15 năm 2010; phát triển và mở rộng khai thác mỏ Rồng bằng việc hoàn thiện và đưa 1 loạt các công trình biển vào hoạt động: đưa giàn RP-2 vào năm 2009, giàn nhẹ RC-5 năm 2010, năm 2011 đưa 3 giàn RC-6, RC-1 và RC-7. Dự án Nam Rồng – Đồi Mồi được ra đời do chủ trương hợp nhất hai mỏ có diện tích chồng lấn giữa Lô 09-1&09-3. Ngày 26/06/2009 ký Thỏa thuận hợp nhất (UA) và Thỏa thuận phát triển chung mỏ (JDA), đến ngày 09/12/2009 ký Thỏa thuận điều hành chung (JOA) trong đó LD Vietsovpetro được chỉ định là Nhà điều hành và ngày 26/01/2010, mỏ NR-ĐM cho dòng sản phẩm thương mại đầu tiên từ giàn nhẹ RC-4 và RC-DM.

Khi sản lượng suy giảm, quỹ giếng khai thác gaslift tăng dần, đồng thời việc phát triển khai thác các khu vực mỏ Rồng dẫn tới nhu cầu khí sự dụng khai thác gaslift tăng cao – ngày 29/11/2010 thực hiện first-gas đưa giàn nén khí mỏ Rồng vào hoạt động, cung cấp khí nén cho hệ thống gaslift khu vực mỏ Rồng.

Ngày 08/08/2012  - Khai thác tấn dầu thứ 200 triệu

Đẩy mạnh việc thăm dò và đưa vào khai thác các mỏ, các cấu tạo vùng cận biên để thay thế và duy trì sản lượng trong tình trạng sản lượng suy giảm nhanh tại các đối tượng khai thác trầm tích mới đưa vào, độ ngập nước tăng cao đối với đối tượng khai thác chính - tầng Móng mỏ Bạch Hổ và cả các đối tượng trầm tích hiện hữu.

Hàng loạt các cấu tạo rìa, cận biên mỏ Bạch Hổ được phát triển và lần lượt đưa vào khai thác: cấu tạo Gấu Trắng (mỏ Gấu Trắng) với giàn GTC-1 được hoàn thiện và đưa vào khai thác năm 2012; cấu tạo phía Nam, giàn BK-17 đưa vào năm 2013 và giàn BK-16 đưa vào năm 2014; cấu tạo Thỏ Trắng (mỏ Thỏ Trắng) với giàn ThTC-1 đưa vào năm 2013, giàn ThTC-2 đưa vào năm 2015 và ThTC-3 đưa vào năm 2017; cấu tạo Mèo Trắng với BK-20 đưa vào năm 2019, giàn BK-21 đưa vào năm 2020; đối với khu vực phía Bắc, giàn BK-19 và BK-18A được đưa vào khai thác năm 2021; khu vực Đông-Bắc (khu vực BK-15) đưa vào giàn BK-22 trong năm 2023.

Bên mỏ Rồng, khu vực Trung tâm với RC-9 được phát triển, hoàn thiện và đưa vào khai thác năm 2016. Khu vực phía Đông, năm 2022 đưa vào khai thác giàn RC-10 và RC-RB1 và gần đây là phát triển khu vực Yên Ngựa với việc đưa RC-8 vào khai thác năm 2023. Cấu tạo Sói phía Nam mỏ Rồng thuộc 09-3/12 được phát triển tiếp và hoàn thiện với việc đưa vào khai thác mỏ Cá Tầm ngày 27/10/2019 - đây là dự án tiếp theo LD Vietsovpetro được tin tưởng giao trách nhiệm vận hành khai thác và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí theo Hợp đồng phân chia sản phẩm với Tổ hợp ba nhà thầu Vietsovpetro (55%), PVEP (30%) và Bitexco (15%).


Để bổ sung sản lượng trong giai đoạn này, bên cạch giải pháp mở rộng các mỏ cận biên, các khu vực có tiềm năng dầu khí nhỏ và phức tạp, một loạt giải pháp công nghệ mỏ quan trọng cũng đã được triển khai: Chuyển khai thác lên các đối tượng phía trên, tận dụng quỹ giếng hoàn thiện và khai thác tầng Móng, tầng trầm tích Olixogen phía dưới bị ngập nước và đã dừng hoạt động, để xem xét bắn bổ sung chuyển lên khai thác thác đối tượng Mioxen phía trên; Thực hiện hoàn thiện mạng lưới giếng bơm ép đối tượng Mioxen dưới mỏ Bạch Hổ; Đối với tầng Móng mỏ Bạch Hổ, giảm khối lượng bơm ép nước (giai đoạn 2018-2019), giảm khai thác khu vực Móng Trung tâm và thực hiện khoan đan dày; Tăng cường kiểm soát và tối ưu hoá hoạt động quỹ giếng, triển khai phân tích suy giảm quỹ giếng khai thác theo các tiêu chí (công nghệ mỏ/thiết bị lòng giếng/công nghệ bề mặt) từ đó có các giải pháp khắc phục kịp thời.

Sau giai đoạn thử nghiệm khai thác bằng bơm điện ly tâm ngầm từ năm 1991-1996 cho các giếng trên giàn MSP-1 và RP-1, đến 2015 tiếp tục thử nghiệm bơm điện ngầm cho các giếng lưu lượng lớn, độ ngập nước cao của tầng Móng mỏ Bạch Hổ có trang bị hệ thống gaslift (giếng 1116  MSP-11, 421 BK-2 và 430 BK3), việc thử nghiệm không thành công do nguồn cung cấp điện không ổn định, cát và tạp chất cơ học trong sản phẩm, nhiệt độ cao dẫn đến máy bơm thường xuyên ngừng hoạt động, tuổi thọ của bơm thấp. Đến giai đoạn năm 2020-2021 tiếp tục thử nghiệm cho các giếng Móng NR-ĐM (giếng 422 và 2X trên RC-4 và RC-ĐM), Móng Đông-Nam Rồng (giếng 305 và 320 trên RC-2) và giếng trầm tích Oligoxen dưới 1007 giàn MSP-10. Việc thử nghiệm giai đoạn này tương đối thành công đối với các giếng khai thác tầng Móng: bơm hoạt động ổn định và cho lưu lượng cao. Tuy nhiên đối với giếng 1007 bơm hoạt động không ổn định do hệ số sản phẩm của giếng thấp. Trên cơ sở thử nghiệm giai đoạn 2020-2021, hiện tại LD Vietsovpetro đang tiếp tục thử nghiệm rộng rãi và từng bước đưa vào áp áp dụng khai thác bơm điện ly tâm ngầm cho các giếng đối tượng Móng (giếng 310, 316, 323B của RP-3, giếng 802, 803 giàn MSP-8), sau đó đến các giếng trầm tích Mioxen dưới giếng 1707 và 8011 của giàn BK-17.

Khi sản lượng khai thác suy giảm trên hầu hết các giàn cố định cùng với thời gian vận hành khai thác, số lượng hệ thống thiết bị và công suất của hầu hết các giàn dư thừa so với nhu cầu hiện tại, trong khi sức chịu lực, kết cấu chân đế ngày càng suy giảm do hệ thống bảo vệ catot suy yếu, kết cấu bị ăn mòn, hư hỏng sau nhiều năm vận hành, cùng với đó là chi phí cho sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng. Đợt hoán cải đầu tiên đã được thực hiện từ năm 2001 đối với giàn MSP-1, khi các giàn cố định hoàn thành việc khoan toàn bộ 16/16 ô giếng theo thiết kế, nhu cầu của việc duy trì một tổ hợp khoan phức tạp với chi phí vận hành cao đã trở nên không cần thiết. Theo đó các block module khoan (bao gồm 9-16, 18, 21) trên toàn bộ 13 giàn cố định đã được tháo dỡ (năm 2007 thực hiện đối với giàn 3, 5, 6, năm 2008 thực hiện giàn 9, năm 2014 thực hiện giàn 4 … và cuối cùng đến năm 2022 thực hiện với giàn RP-2). Sau khi cải hoán, các giàn cố định vẫn duy trì hệ thống khai thác và xử lý dầu khí như thiết kế ban đầu, nhiệm vụ sửa giếng trên các giàn cố định được chuyển sang cho các tổ hợp khoan mini di động MMU-1 và MMU-2. Đợt cải hoán lớn tiếp theo khi sản lượng khai thác trên các giàn cố định khu vực vòm Bắc Bạch Hổ suy giảm nhanh, công suất thiết kế ban đầu từ 2500-5000 m3/ngày trở nên dư thừa trong khi việc vận hành các hệ thống bình tách, bơm và nhiều đường ống công nghệ có tuổi đời lâu năm đòi hỏi chi phí cao và quy trình bảo dưỡng phức tạp. Đợt hoán cải tiếp theo này thực hiện cắt giảm các thiết bị trên một số giàn cố định tại khu vực vòm Bắc mỏ Bạch Hổ bao gồm MSP-3, 5, 7, 11, biến các công trình này trở thành các Mini MSP.


Hệ thống công nghệ, thu gom, vận chuyển và xử lý dầu khí sau thời gian dài vận hành đã ngày càng xuống cấp, bên cạnh đó các thông số của sản phẩm khai thác ở cuối đời mỏ ngày càng xấu ảnh hưởng lớn tới hệ thống công nghệ (% nước tăng, nhiệt độ giảm, sản lượng xuống thấp, các tác nhân gây ăn mòn trong nước và khí đồng hành ngày càng nhiều…), vì thế hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý hiện hữu đang đối diện với nhiều thách thức như: tình trạng lắng đọng paraffin, muối, condensate trong các đường ống; thủng đường ống ngầm xảy ra thường xuyên do ăn mòn hóa học; một số tuyến ống gaslift đã và sẽ bị quá tải khi nhu cầu gaslift tăng lên theo thời gian … Để duy trì hoạt động và vận hành an toàn hệ thống, các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện: Phóng thoi làm sạch đường ống ngầm (từ năm 2022 đã xây dựng chương trình tổng thể phóng thoi làm sạch hơn 50 tuyến ống ngầm trọng yếu); Tối ưu hoá sơ đồ vận chuyển dầu khí trong nội mỏ; Xem xét các phương án cải hoán hoặc phân chia lại dòng sản phẩm tại các giàn công nghệ trung tâm CPP-2&CPP-3; Nghiên cứu và đánh giá phương án lắp đặt máy nén khí tại giàn công nghệ trung tâm để có thể giảm tối đa áp suất thu gom tại các giàn này; …

Ngày 15/05/2024  - Khai thác tấn dầu thứ 250 triệu

Để đảm bảo sản lượng khai thác, công tác vận hành khai thác mỏ đóng vai trò quyết định, từ giai đoạn chuẩn bị khai thác đến cột mốc khai thác 250 triệu tấn ngày nay, một khối lượng rất lớn công trình biển đã được đưa vào khai thác và vận hành an toàn, các hệ thống công nghệ, mạng lưới đường ống thu gom vận chuyển dầu/khí/nước bơm ép đã được hoàn thiện theo hệ thống khép kín, hoạt động linh hoạt và luôn đảm bảo duy trì hoạt động khai thác. Các hệ thống này bên cạch việc phục vụ vận hành khai thác các mỏ hiện hữu của LD Vietsovpetro còn có thể kết nối và vận hành khai thác các mỏ lân cận bên ngoài để nâng cao hiệu quả khai thác.


Theo kế hoạch phát triển dài hạn của Vietsovpetro giai đoạn 2020-2045, việc duy trì khai thác hiệu quả các mỏ dầu khí thuộc lô 09-1 và đồng thời phát triển các lô triển vọng mới được xác định là nhiệm vụ cốt lõi. Với định hướng vận hành an toàn và hiệu quả các mỏ hiện hữu thuộc lô 09-1 cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chính về quản lý khai thác mỏ, vận hành khai thác các công trình biển và hệ thống công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý dầu khí.

         Đối với công tác quản lý khai thác mỏ

  • Đẩy mạnh công tác quản lý quỹ giếng, nghiên cứu, áp dụng các giải pháp/công cụ hỗ trợ và hoàn thiện quy trình quản lý, để kịp thời kiểm soát và tối hoá trạng thái hoạt động của quỹ giếng;
  • Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kiểm soát trạng thái của giếng và thiết bị lòng giếng, xác định tiềm năng của giếng từ đó lựa chọn và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp nhằm duy trì và gia tăng sản lượng khai thác giếng: nứt vỉa thuỷ lực; xử lý vùng cận đáy; ngăn cách nước; TPO; thay van gaslift; xử lý và chống lắng đọng paraffin/muối/cát …;
  • Tiếp tục nghiên cứu các phương pháp khai thác phù hợp với từng giai đoạn và trạng thái khai thác mỏ, hoàn thiện thử nghiệm và chuyển dịch sang khai thác bằng bơm điện chìm với quỹ giếng ngập nước cao và tiêu thụ gaslift lớn;
  • Tiếp tục đẩy mạnh công tác tối ưu hoá sử dụng quỹ giếng, chuyển khai thác lên các đối tượng phía trên, tận dụng quỹ giếng hoàn thiện và khai thác tầng Móng, tầng trầm tích Olixogen phía dưới bị ngập nước và đã dừng hoạt động, để xem xét bắn bổ sung chuyển lên khai thác thác đối tượng phía trên;
  • Nghiên cứu, tập chung triển khai các dự án EOR nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu cho các đối tượng khai thác, đặt biệt đối với đối tượng khai thác chính – tầng Móng mỏ Bạch Hổ, nơi có trữ lượng địa chất còn lại lớn.

    Đối với công tác vận hành hệ thống công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý dầu khí

    Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện các vấn đang tồn tại và phát sinh với hệ thống, tập trung triển khai các giải pháp:
  • Tối ưu hoá sơ đồ vận chuyển dầu khí trong nội mỏ; Tiếp tục hoàn thiện giải pháp bơm hóa phẩm giảm nhiệt độ đông đặc, bơm hoá phẩm xử lý và chống ăn mòn; Vận chuyển hỗn hợp dầu khí để tăng tốc độ dòng chảy và cải thiện tính lưu biến của dầu; Bơm rửa định kỳ đường ống bằng nước; Khảo sát và thực hiện các chương trình phóng pig làm sạch hệ thống đường ống ngầm;
  • Xem xét các phương án cải hoán hoặc phân chia lại dòng sản phẩm tại các giàn công nghệ trung tâm CPP-2&CPP-3, nâng công suất của các Boiler và các bộ trao đổi nhiệt…;
  • Nâng cấp hệ thống máy PPU (máy tạo hơi nóng, áp suất cao) để xử lý lắng đọng parafin trong giếng khai thác;
  • Xem xét các giải pháp cải hoán để thu gom một phần khí đồng hành mỏ Rồng về Bạch Hổ theo đường dầu không sử dụng; Xem xét giải pháp thiết kế, xây dựng thêm giàn nén khí ở mỏ Rồng;

    Đối với vận hành các công trình biển
  • Sau khi hoàn thành tháo dỡ tháp khoan và các block module ở tầng 2 các giàn MSP&RP, tiếp tục tháo dỡ các thiết bị không còn nhu cầu sử dụng, đơn giản hệ thống công nghệ để tiếp tục cải hoán các giàn cố định còn lại thành các mini MSP;
  • Tiếp tục duy trì và đảm bảo công tác sửa chữa kết cấu kim loại, chống ăn mòn các công trình biển.
  • Xây dựng phương án và kế hoạch sửa chữa và nâng cấp hệ thống thiết bị nâng (cần cẩu) trên các công trình biển để đảm bảo vận hành an toàn

Trong suốt 40 năm vận hành khai thác mỏ, hầu hết các công trình biển luôn đảm bảo được đưa vào hoạt động sớm và đúng tiến độ. Hệ thống công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý dầu khí, đội tàu chứa dầu luôn được vận hành an toàn, đúng yêu cầu kỹ thuật và thiết kế; Các giải pháp địa chất – kỹ thuật đề ra ứng với từng giai đoạn khai thác mỏ luôn được phối hợp triển khai đồng bộ và kịp thời. Kết quả khai thác 250 triệu tấn dầu - thành quả lao động, sự nỗ lực vượt khó của các thế hệ người lao động – từ những “Người thắp lửa" tới những “Người thổi bùng lửa và những “người kế thừa và giữ lửa" ngày nay - đây là cơ sở và cũng là hành trang quan trọng để tập thể “Anh hùng lao động quốc tế" Liên doanh Viêt-Nga Vietsovpetro sẽ tiếp tục chinh phục các cột mốc sản lượng khai khai thác dầu khí trong thời gian tới.

   Hội đồng Khoa học–Công nghệ XNKT​



Tin nổi bật