Ngày 17.09.2023, theo uỷ quyền của Tổng Giám đốc LD Việt Nga Vietsovpetro, Xí nghiệp Cơ Điện (XNCĐ) chủ trì phối hợp với các đơn vị thành viên: Viện NCKH&TK, Xí nghiệp xây lắp (XNXL), XN Vận tải biển & công tác lặn (XN VTB & CTL), Trung tâm công nghệ thông tin và liên lạc (TT CNTT&LL) đã thực hiện thành công dịch vụ sửa chữa tuyến cáp điện ngầm 24kV (1 x 3 x 70mm2) cùng cáp quang từ giàn STV CPP cấp nguồn cho giàn SVNE tại mỏ Sư Tử Vàng (STV) của Cửu Long JOC. Tuyến cáp ngầm sau khi được LDVN Vietsovpetro sửa chữa đã được bàn giao cho Cửu Long JOC và đã được đóng điện đưa vào vận hành an toàn.
Tuyến cáp ngầm 24kV (1 x 3 x 70mm2) cùng cáp quang từ giàn STV CPP cấp nguồn cho giàn SVNE tại mỏ Sư Tử Vàng của Cửu Long JOC được thi công lắp đặt vào năm 2014, có chiều dài 4,4km. Tuyến cáp này bị sự cố ngắn mạch vào tháng 04.2023 và từ đó đến nay CLJOC đã phải thuê 2 máy phát điện (01 làm việc và 01 dự phòng/ standby) để duy trì hoạt động của giàn SVNE WHP, đồng thời CLJOC đã phải bố trí lại việc vận hành giàn WHP SVNE vốn là giàn không người; các công tác logistic phục vụ vận hành… gây khó khăn và phát sinh nhiều chi phí cho CLJOC. Ngay sau khi nhận được yêu cầu của CLJOC, theo chỉ đạo của Tổng giám đốc LDVN Vietsovpetro, XNCĐ đã cùng các đơn vị nghiên cứu tình trạng của tuyến cáp, lên phương án sửa chữa và thực hiện các công tác chuẩn bị trong bờ.
Sau khi hợp đồng dịch vụ sửa chữa tuyến cáp được ký kết giữa CLJOC và XNCĐ vào ngày 28.08.2023, XNCĐ cùng các đơn vị trong VSP đã nhanh chóng hoàn thành các công tác chuẩn bị trên bờ và sẵn sàng thi công biển với khối lượng công việc lớn: hoàn thiện thiết kế sửa chữa, lập Biện pháp tổ chức kỹ thuật cho dịch vụ sửa chữa tuyến cáp, chuẩn bị trang thiết bị, dụng cụ trên bờ, lập kế hoạch huy động trang thiết bị, tàu dịch vụ- để thực hiện dịch vụ ngoài biển cần 3 tàu bao gồm tàu dịch vụ AHTS có trang bị DP2 với công suất ít nhất 8000 HP có diện tích mặt boong đủ để lắp đặt, chằng buộc trang thiết bị kéo thả cáp ngầm của XNXL và có khả năng bố trí chỗ ăn ở cho nhóm công tác của XNXL, XNCĐ, TTCNTTLL, nhóm định vị ngầm, đại diện CLJOC với tổng cộng gần 30 người; 01 tàu dịch vụ lặn phục vụ việc thi công ngầm dưới đáy biển và 01 tàu chứa ROV (Remotable Operated Underwater Vehicle) phục vụ công tác khảo sát ngầm và khảo sát toàn tuyến cáp sau khi sửa chữa và rải xuống biển. Để thực hiện dịch vụ này, XNCĐ đã tổ chức thuê tàu dịch vụ AHTS DP2 từ đối tác bên ngoài (do vào thời điểm này toàn bộ đội tàu dịch vụ của VSP đều rất bận phục vụ sản xuất của VSP) và XNVTB cung cấp tàu lặn Long Hải 02 và tàu Sao Mai 03 được lắp đặt trạm thiết bị ROV. Mặc dù công tác tổ chức thuê tàu, lập lịch huy động tàu rất khó khăn do tình hình chung thiếu hụt tàu dịch vụ tại thị trường Việt nam hiện nay, công việc nội bộ của VSP sử dụng các tàu dịch vụ cũng rất bận rộn; thời gian huy động (thuê) lại ngắn, điều kiện thời tiết tại mỏ STV của CLJOC không thực sự thuận lợi do ảnh hưởng của Ei Nino- thông thường hàng năm đến đầu tháng 10 mới bắt đầu mùa gió chướng và thời tiết xấu tại mỏ STV nhưng năm nay ngay từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 thời tiết đã có những thay đổi bất thường; với quyết tâm cao hoàn thành dịch vụ đúng theo yêu cầu của khách hàng, XNCĐ cùng các đơn vị XNVTB&CTL, XNXL, TTCNTTLL, Viện NCKH&TK đã quyết định chọn thời điểm ngày 11.9.2023 khi có cửa sổ thời tiết tương đối thuận lợi để bắt đầu triển khai thực hiện dịch vụ. Sau khi thực hiện các công tác huy động tàu dịch vụ chính, vận chuyển, lắp đặt và chằng buộc thiết bị trên bờ, tối 12.9.2023 tàu AHTS DP2 di chuyển ra mỏ STV để triển khai thực hiện dịch vụ. Trong điều kiện thời tiết không thực sự thuận lợi, sóng, dòng chảy và gió tại vùng mỏ STV không ổn định, điều kiện ăn ở, làm việc khó khăn trên biển nhưng bằng kinh nghiệm sẵn có, với tay nghề và trình độ chuyên môn cao, từ ngày 13.09.2023 đến 17.09.2023 nhóm công tác của XNCĐ cùng nhóm của XNXL, XNVTB&CTL, TTCNTTLL, Viện NIPI và thuyền viên tàu AHTS DP2 của nhà thầu phụ đã điều phối nhịp nhàng, khẩn trương, làm việc liên tục 24/24, với sự tập trung chính xác cao độ cũng như kinh nghiệm sẵn có, hoàn thành việc sửa chữa tuyến cáp ngầm: lắp đặt 2 hộp nối cáp điện trung thế, 2 hộp nối cáp quang gồm 48 sợi cáp quang, định tuyến lại (chỉnh lại tuyến cáp bằng cách quấn cáp đang nằm dưới đáy biển vào tang lắp đặt trên tàu và rải lại để nắn thẳng tuyến cáp) gần 600m cáp cho CLJOC, khảo sát lại toàn bộ tuyến cáp sau khi hoàn thành việc rải lại xuống biển bằng ROV. Tuyến cáp đã được bàn giao cho Chủ đầu tư sau sửa chữa vào lúc 14h30 ngày 17.09.2023, đồng thời nhóm công tác của VSP đã phối hợp với Chủ đầu tư tiến hành đóng điện cấp nguồn cho giàn SVNE với các thông số đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đưa giàn nhẹ WHP SVNE vào hoạt động ở trạng thái bình thường theo thiết kế, về đích sớm hơn kế hoạch đặt ra 02 ngày.
Mặc dù VSP đã nhiều lần thực hiện việc sửa chữa các tuyến cáp ngầm ở các mỏ Bạch Hổ và Rồng, đây là lần đầu tiên XNCĐ cùng các đơn vị thuộc VSP cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngoài VSP, ở vùng mỏ khác cùng những khác biệt về môi trường biển cũng như thời tiết, cơ sở vật chất. Dịch vụ được thực hiện thành công chứng tỏ năng lực to lớn của Vietsovpetro trong công tác thiết kế, tổ chức sửa chữa các tuyến cáp ngầm ngoài khơi cũng như năng lực quản lý và tổ chức, điều phối sản xuất cũng như khả năng tổ chức thi công biển. Thành công này tiếp nối thành công của XNCĐ trong việc cung cấp dịch vụ sửa chữa tuyến cáp ngầm tại trang trại điện gió gần bờ Tân Thuận thuộc tỉnh Cà mau năm 2022 là tiền đề để XNCĐ/ VSP cung cấp các dịch vụ khảo sát, sửa chữa các tuyến cáp trung thế, cáp quang lắp đặt ngầm dưới đáy biển không chỉ cho các nhà thầu dầu khí trong khu vực mà còn cho các trang trại điện gió gần bờ và ngoài khơi trong tương lai.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

Lắp đặt, chằng buộc thiết bị quấn, thả cáp và sửa chữa cáp trên tàu AHTS-DP2

Cắt, kéo cáp lên boong

| 
|

Thực hiện việc nối cáp điện và cáp quang

Thả hộp nối xuống biển, hoàn tất việc sửa chữa
Bài và ảnh: XNCĐ