Sign In

tin tức - sự kiện

Kỷ niệm 36 năm Ngày ký Hiệp định thành lập Vietsovpetro (19.06.1981 – 19.06.2017)

6/16/2017 10:42:02 AM

​Ngày 19-6-1981 tại Mátxcơva, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.


 Ngày 19-6-1981 tại Mátxcơva, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
 
Sau khi Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được thành lập ở Vũng Tàu, hoạt động xây dựng căn cứ trên bờ được đẩy mạnh. Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 31-12-1983, tàu Mikhain Mirchin đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 21 giờ ngày 24-5-1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp và ngọn lửa dầu đã bùng cháy trên biển ngoài khơi Vũng Tầu, báo tin vui cho cả nước.Ngày 26-6-1986 Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới.
Thấm thoắt đã 36 năm trôi qua. Thực hiện mong ước của Đảng, Bác Hồ, bằng ý chí, nghị lực và trí tuệ, Vietsovpetro đã viết nên trang sử hào hùng, trở thành “anh cả đỏ”, “cánh chim đầu đàn” của Ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước.
Ngược dòng lịch sử
…Chủ trương hợp tác đa phương trong hoạt động dầu khí ở Việt Nam được khẳng định trong Nghị quyết số 244-NQ/TW là cẩm nang để đối phó với tình hình diễn biến xấu khi các Công ty Deminex, Bow Valley và Agip chấm dứt hoạt động và rút khỏi Việt Nam trong năm 1979-1980. Ngay trong năm 1979, một đoàn cán bộ cấp cao, dẫn đầu là Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, đã đi thăm và làm việc tại Liên Xô, đoàn đã tiếp xúc và làm việc với Bộ trưởng Bộ Khai thác dầu, Bộ Khai thác khí, Bộ Địa chất, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ kinh tế với nước ngoài và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô để bàn về hợp tác toàn diện từ khâu đầu tới khâu cuối cả trên đất liền, biển nông và thềm lục địa.
 
 
Lễ ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam tại Điện Kremli tháng 7/1980
Đoàn đã bàn với Phía Liên Xô lịch trình cụ thể, số lượng chuyên gia… sang giúp Việt Nam nghiên cứu tài liệu và xem xét tình hình cụ thể về dầu khí trong phạm vi cả nước. Căn cứ vào các kết quả đã đạt được, ngày 1-12-1979, trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Bộ Chính trị đã họp và sau đó ra Thông báo về hướng hợp tác với Liên Xô về dầu khí: Hợp tác với Liên Xô, có sự tham gia của một số nước trong Hội đồng Tương trợ kinh tế là rất cần thiết để xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí hoàn chỉnh và vững chắc, giúp ta tiến tới tự lực từ quản lý đến các mặt kỹ thuật. Thông báo đã đề cập đến những lĩnh vực cụ thể để Tổng cục Dầu khí có hướng bàn bạc với Liên Xô.
Ngày 17-12-1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã gửi thư cho Tổng Bí thư L.I. Brêgiơnev đề nghị Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô giúp xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam và việc hợp tác giữa hai nước trong khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Đây là đề nghị chính thức cấp cao nhất của Việt Nam về hợp tác toàn diện Việt - Xô trong lĩnh vực dầu khí. Ngày 4-3-1980, Tổng Bí thư L.I. Brêgiơnev đã trả lời thư của Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Nội dung thư được dịch sang tiếng Việt như sau:
Kính gửi: Đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Lê Duẩn kính mến! Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô đã chú ý nghiên cứu đề nghị được nêu trong thư của đồng chí đề ngày 17-12-1979 về việc xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam và việc hợp tác giữa hai nước trong khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng hàng đầu của việc khai thác mỏ dầu khí đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Liên Xô cho rằng trong năm nay, các tổ chức của Liên Xô cần nghiên cứu xác định căn cứ kinh tế - kỹ thuật khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam và lập chương trình phối hợp tiến hành các công tác thăm dò địa vật lý và địa chất công trình ở khu vực này trong những năm 1981-1985. Phía Liên Xô cũng đồng ý cử các chuyên gia Liên Xô sang công tác ở Bộ Dầu khí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tư cách là cố vấn. Để xác định căn cứ kinh tế - kỹ thuật cho việc khai thác và lập chương trình phối hợp thăm dò, trong thời gian tới Liên Xô sẽ cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam. Đoàn do đồng chí Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp Khí dẫn đầu. Về vấn đề hợp tác xây dựng nhà máy chế biến dầu ở Việt Nam cần được thảo luận trong quá trình phối hợp kế hoạch nhà nước năm 1981-1985 giữa hai nước chúng ta. Xin gửi đồng chí lời chào cộng sản”.
 Để triển khai các công việc nêu trong thư, Phía Liên Xô đã cử Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp khí Iu.V. Zaisev dẫn đầu sang Việt Nam. Tại buổi tiếp diễn ra ngày 17-4-1980, Thứ trưởng Zaisev đã phát biểu với Thủ tướng Phạm Văn Đồng như sau: “Sau khi đồng chí Brêgiơnev và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đáp ứng yêu cầu của đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, theo chỉ thị của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, đoàn chuyên viên dầu khí Liên Xô có nhiệm vụ sang Việt Nam để cùng với các chuyên viên Việt Nam tiến hành những công việc:
- Xem xét và tính toán trữ lượng dầu khí ở khu vực thềm lục địa Việt Nam.
 - Xây dựng Luận chứng kinh tế - kỹ thuật phát triển ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam. Trong Luận chứng kinh tế - kỹ thuật này phải tính toán khối lượng vốn đầu tư, các trang thiết bị cần thiết, khối lượng công tác xây dựng và đánh giá cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện nay của Việt Nam.
- Xây dựng chương trình tiến hành công tác thăm dò địa chấn khu vực thềm lục địa Việt Nam cho 5 năm tới (1981-1985).
- Bàn việc cử cố vấn sang giúp Việt Nam….”.
Cũng trong Thông báo trên, đoàn chuyên viên Liên Xô còn cho biết các chuyên viên Liên Xô đánh giá về tiềm năng dầu khí của Việt Nam có thể khai thác được ở cả 3 khu vực: Vùng trũng Cửu Long, vịnh Thái Lan, vùng trũng Saigon - Sarawark là 3,6 tỷ tấn dầu và 2.700 tỷ m3 khí. Trữ lượng có thể khai thác được của vùng trũng Cửu Long là 1 tỷ 178 triệu tấn dầu và 3 tỷ m3 khí. Riêng trữ lượng có thể khai thác được của 2 cấu tạo “Rồng” và “Bạch Hổ” là 435 triệu tấn.
Tháng 11-1979, đoàn chuyên viên dầu khí của Liên Xô sang công tác ở Việt Nam lúc đầu ước tính trữ lượng có thể khai thác được của 2 cấu tạo này là 240 - 280 triệu tấn, thấp hơn so với lần đánh giá này. Sở dĩ bấy giờ đoàn chuyên viên Liên Xô đánh giá thấp hơn trước vì có căn cứ tài liệu thăm dò của Công ty Deminex (Cộng hòa Liên bang Đức) tiến hành ở phía Bắc 2 lô này. Deminex đã khoan xuống các tầng sâu hơn các lỗ khoan ở 2 lô nói trên, tuy số liệu của Deminex chưa được thử nghiệm, nhưng các chuyên viên của Liên Xô và Việt Nam rất ngạc nhiên về thái độ lạ lùng của Deminex, chắc chắn họ giấu không cho chúng ta biết nhiều tài liệu thăm dò. Ví dụ như họ nói họ không thể bắn vào các vỉa được vì hỏng thiết bị bắn đạn. Nhưng ai cũng biết rằng thiết bị bắn đạn rất gọn nhẹ và đơn giản, nếu bị hỏng thật thì chỉ cần đóng thứ đó vào vali gửi bằng máy bay là 2-3 ngày sau đã kịp có thiết bị thay thế. Như vậy, có thể khẳng định, các công ty Deminex, Bow Valley, Agip… rút khỏi hợp đồng dầu khí tại Việt Nam thời điểm đó là do sức ép của Mỹ cấm vận Việt Nam, sự phá hoại của các thế lực thù địch chống Việt Nam.
Cũng trong Thông báo trên, đoàn chuyên viên dầu khí Liên Xô còn nêu lên các tính toán sơ bộ kế hoạch khoan thăm dò và khoan khai thác: xây dựng các giàn khoan, số lượng các giếng khoan thăm dò, khai thác, số lượng giàn khoan, xây dựng đường ống dẫn dầu và khí về cơ sở tiếp nhận ở Vũng Tàu, xây dựng cơ sở vật chất cho việc sản xuất và sửa chữa các cấu kiện giàn khoan, cơ sở sửa chữa và đóng tàu, xây dựng một thị trấn cho 5.000 - 6.000 chuyên gia. Tóm lại là có một cơ sở dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho việc thăm dò, khai thác ngoài biển mà đoàn chuyên viên dự kiến đến năm 1990 sẽ đạt 7,6 triệu tấn dầu.
Đoạn cuối của Thông báo viết: Sau khi Thứ trưởng Zaisev trình bày, Đại sứ Saplin có mặt trong cuộc gặp này đã nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là cần phải triển khai công việc một cách khẩn trương và tập trung, cần phải tìm ra những hình thức thích hợp và có hiệu quả nhất hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí. Ngày 18-4-1980, Thứ trưởng Zaisev cùng với Bộ trưởng Đinh Đức Thiện ký biên bản về cử cố vấn Liên Xô. Các cơ quan thẩm quyền hai bên sẽ ký hiệp định chính thức sau.
Ngày 23-4-1980, Tổng cục Dầu khí đã có Văn bản số 18/DK-KTĐN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ý kiến trao đổi giữa Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô Iu.V. Zaisev với Bộ trưởng phụ trách công tác dầu khí Đinh Đức Thiện:
 - Hợp tác Việt Nam - Liên Xô với hình thức hợp doanh 50% mỗi bên, Phía Liên Xô cho Việt Nam vay phần đóng góp vốn của mình. - Mở rộng hợp tác ra ngoài 2 lô 09 và 16, cụ thể là làm địa vật lý toàn bộ thềm lục địa miền Nam Việt Nam và triển khai sang lô 15 nếu Việt Nam lấy lại của Công ty Deminex.
- Đề nghị Bộ trưởng Đinh Đức Thiện sớm sang thăm Liên Xô và trong dịp này sớm thỏa thuận các điều kiện mời cố vấn Liên Xô sang giúp dầu khí Việt Nam. Khi sang thăm Liên Xô cũng đề nghị Bộ trưởng Đinh Đức Thiện mang theo thư của Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi Tổng Bí thư Brêgiơnev để tiện bàn bạc chuẩn bị cho những công việc cụ thể.
Và tiếp theo là nhiều cuộc tiếp xúc giữa các đoàn cấp cao và cấp chuyên viên của Việt Nam và Liên Xô để đi đến chuẩn bị cho một hiệp định về hợp tác giữa hai nước.
Để đạt tới một hiệp định giữa Chính phủ hai nước về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, một đoàn đại biểu do Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã sang Liên Xô. Đoàn đã được Tổng Bí thư L.I. Brêgiơnev đón tiếp nồng nhiệt. Đặc biệt trong cuộc hội đàm, Tổng Bí thư L.I. Brêgiơnev đã có một bài phát biểu quan trọng, đề cập đến nhiều vấn đề:
 - Tình hình kinh tế Liên Xô, khó khăn, thuận lợi.
- Tình hình thế giới thời điểm 1979-1980 phức tạp và tình hình khu vực Đông Nam Á, Nam Á…
- Về 25 năm quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, sự giúp đỡ cụ thể về vật tư, kỹ thuật, đặc biệt là về quân sự cho Việt Nam.
Về dầu khí, trong bài diễn văn có đoạn: “Hiện nay đã có những tiềm năng để làm sâu sắc và phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế. Tôi trước hết muốn nói đến đề nghị của các đồng chí về việc cùng nhau khai thác dầu mỏ và khí tại thềm lục địa phần phía Nam của Việt Nam. Dĩ nhiên công việc này đòi hỏi nhiều vốn, kể cả ngoại tệ. Nhưng đây là việc đáng làm. Sẽ là rất đúng, nếu chúng ta dành cho công việc này sự ưu tiên, thậm chí so với các công trình khác xây dựng với sự giúp đỡ và hợp tác của Liên Xô. Như vậy, hôm nay chúng ta có thể ký hiệp định nguyên tắc về vấn đề này”.
Kết quả của hai bức thư trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Việt Nam, và kết quả của các cuộc hội đàm là: Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Việt Nam Nguyễn Lam và Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô N.K. Baibakov ký tại điện Kremli - Mátxcơva ngày 3-7-1980, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư L.I. Brêgiơnev.
Phần mở đầu của Hiệp định viết: “Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết. Xuất phát từ quan hệ hữu nghị anh em và giúp đỡ lẫn nhau sẵn có giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô, Xuất phát từ các nguyên tắc của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết ký ngày 3-11-1978, Với lòng mong muốn phát triển hơn nữa sự hợp tác kinh tế - kỹ thuật giữa Việt Nam và Liên Xô, Phù hợp với các nguyên tắc ghi trong chương trình tổng hợp về tăng cường và hoàn thiện hơn nữa sự hợp tác và phát triển sự liên kết kinh tế xã hội chủ nghĩa giữa các nước thành viên Hội đồng Tương trợ kinh tế, Thể theo yêu cầu của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đã thỏa thuận những điều dưới đây”. Hiệp định gồm 6 điều thể hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản như là hiệp định khung mở đường cho một hiệp định cụ thể tiếp theo để triển khai công việc thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Việt Nam Nguyễn Lam và Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô N.K. Baibakov ký Hiệp định tại Điện Kremli – Mátxcơva.
 Để chuẩn bị một hiệp định cụ thể triển khai công việc về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam - Liên Xô sau khi hiệp định nguyên tắc đã ký ngày 3-7- 1980, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể.
Ngày 17-7-1980, Chính phủ đã có Công văn số 3032/V7 yêu cầu Tổng cục Dầu khí, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Viện Nghiên cứu cải tiến quản lý kinh tế soạn thảo hiệp định cụ thể và Điều lệ của Xí nghiệp Liên doanh. Ngày 20-7-1980, tại Vũng Tàu, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Hòa và một số thành viên đoàn Việt Nam đã trao đổi công việc với Phó Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về Kinh tế đối ngoại Liên Xô E.I. Oxadchuc, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Saplin và một số thành viên của Liên Xô, về vấn đề xây dựng khu công nghiệp Vũng Tàu chuẩn bị cho thành lập Xí nghiệp Liên doanh tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam như chuẩn bị Luận chứng kinh tế - kỹ thuật (TEO), những điểm chủ yếu của hiệp định cụ thể và Điều lệ hoạt động của Xí nghiệp Liên doanh.
Đoàn cố vấn cao cấp liên bộ của Liên Xô gồm đại diện Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Công nghiệp Khí, Ủy ban Nhà nước về Kinh tế đối ngoại, Bộ Ngoại thương do ông N.K. Baibakov, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước dẫn đầu cùng các ông E.I. Oxadchuc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kinh tế đối ngoại, và ông Iu.V. Zaisev, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp Khí cùng các chuyên gia đầu ngành như Ovannhetxov, Zavrev, O.O. Seremeta và nhiều người khác của các cơ quan trên sang Việt Nam để đánh giá lại trữ lượng và tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam, cũng như lực lượng khoa học - kỹ thuật, quy hoạch cơ sở vật chất và hạ tầng Vũng Tàu, làm bàn đạp triển khai thăm dò và khai thác dầu khí nói chung, trực tiếp là xây dựng cơ sở cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí biển Việt Nam. Đoàn chia thành các nhóm làm việc: (1) Nhóm làm báo cáo đánh giá tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam, thăm dò địa chấn khu vực và xây dựng báo cáo luận chứng khai thác sớm mỏ Bạch Hổ; (2) Nhóm nghiên cứu quy hoạch cảng dầu khí, bãi lắp ráp giàn khoan và quy hoạch tuyến ống dẫn dầu từ Vũng Tàu đến Long Thành - Thành Tuy Hạ, nơi dự kiến sẽ xây nhà máy lọc dầu đầu tiên sử dụng dầu Bạch Hổ qua khu xử lý dầu thô tại Tân Thành (Bà Rịa); (3) Nhóm quy hoạch khu nhà ở cán bộ công nhân dầu khí (khu 5 tầng) với số lượng cán bộ công nhân dầu khí dự kiến lúc phát triển có thể lên đến 10.000 người Việt Nam và 2.000 chuyên gia Liên Xô cùng gia đình.
Phía Việt Nam cũng huy động tổng lực cả nước, hợp lực cùng Liên Xô để chuẩn bị xây dựng hạ tầng thăm dò và khai thác dầu ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, mà các công ty tư bản đã rút đi. Mặc dù rất khó khăn về kinh tế, nhưng với nhận thức dầu khí là cứu cánh để xây dựng và phát triển đất nước, nên một “chiến dịch lớn” đã được triển khai mà trọng điểm của “chiến dịch” là Vũng Tàu.
Làm thế nào để nhanh chóng xây dựng Vũng Tàu thành căn cứ cho ngành công nghiệp Dầu khí biển Việt Nam? Các bộ, ngành gồm Văn phòng Phủ Thủ tướng, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Hợp tác và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng (Hải quân, Binh đoàn 318), Bộ Công an (A17), Bộ Tài chính, Ngoại thương, Nội thương, Y tế, Tổng cục Du lịch đã vào cuộc cùng với Tổng cục Dầu khí dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Phó Thủ tướng Trần Quỳnh, Đỗ Mười, Đồng Sỹ Nguyên và Bộ trưởng Đinh Đức Thiện. Mọi tiến độ công việc đều được cập nhật báo cáo Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Những người mà lãnh đạo Xí nghiệp Liên doanh thường xuyên tiếp xúc làm việc để giải quyết các yêu cầu của đoàn Liên Xô, ngoài Tổng cục Dầu khí còn có các ông Ngô Thiết Thạch, Trần Xuân Giá, Đậu Ngọc Xuân, Hoàng Trọng Đại, Nguyễn Xuân Trúc, Đoàn Thúy Ba, Nguyễn Khánh Toàn, Vũ Hải Triều, Nguyễn Hồng Diên…
Lãnh đạo Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cùng tham gia hỗ trợ tích cực để quy hoạch Vũng Tàu thành khu công nghiệp Dầu khí có các ông Tư Hy, Tư Thành, Năm Thuyết, Xuân Thủy, Lâm Văn Thê, Ba Ngộ, đặc biệt là lực lượng an ninh - bảo vệ của Đặc khu và A17. Về phía Tổng cục Dầu khí có Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, lãnh đạo Tổng cục Dầu khí Nguyễn Hòa, Phan Tử Quang, Phạm Văn Diêu, Đặng Quốc Tuyển, trực tiếp chỉ đạo, tham gia cùng đoàn chuyên gia có các ông Lê Quốc Tuân, Nông Tắc Lâm, Đặng Đình Cần… Ông Nguyễn Ngọc Sớm, Giám đốc Công ty II là đầu mối về hậu cần cùng toàn lực lượng của Công ty II, các ông Dương Quang Thành, Nguyễn Sâm, Ngô Thường San và các cán bộ kỹ thuật và quản lý khác… ở Tổng cục và Công ty Dầu khí II cũng tham gia tích cực hỗ trợ cho đoàn chuyên gia Liên Xô.
“Tổng hành dinh chiến dịch” được đặt tại Khách sạn Hòa Bình (trước là Khách sạn Palace) ở Vũng Tàu.
Sau hơn ba tháng, bản báo cáo đã hoàn thành với một nhận định hết sức khả quan về trữ lượng dầu khí ở Việt Nam. Báo cáo đánh giá tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam và phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ được gửi lên Chính phủ Việt Nam và Liên Xô. Chỉ đạo thực hiện báo cáo này là Thứ trưởng Zaisev, tham gia làm báo cáo về Phía Liên Xô có các ông Seremeta, Vardanhian, Djafarov, Adamian, Belianhin...; về Phía Việt Nam có các ông Ngô Thường San, Nguyễn Đăng Liệu, Trần Quốc Vinh, Ngô Bá Bạt, Nguyễn Văn Đức, Cao Mỹ Lợi, Nguyễn Thúc Kháng, Nguyễn Minh Toàn, Ngô Khánh Băng, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Quang Vinh, Vũ Thiện Lương, v.v.. Đây là một trong những căn cứ quan trọng nhất, là yếu tố bảo đảm chắc chắn cho việc ký kết hiệp định chính thức thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô. Bộ Công nghiệp Khí và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô là hai cơ quan đã có những ủng hộ tích cực cho việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh. Trong những năm 1980-1982, Liên đoàn Địa vật lý Viễn Đông Liên Xô đã thực hiện một khối lượng lớn công tác nghiên cứu địa chấn tại thềm lục địa Nam Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, các chuyên gia Liên Xô - Việt Nam củng cố những kết luận có căn cứ khoa học về triển vọng dầu khí cao của bể Cửu Long và mỏ Bạch Hổ, làm cơ sở để tiến hành khai thác sớm tại đây. Một vấn đề được đặt ra là lựa chọn hình thức hợp tác khi thành lập Xí nghiệp Liên doanh. Việt Nam và Liên Xô sẽ chọn hình thức hợp tác và tổ chức hoạt động như thế nào cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế và đem lại hiệu quả cao nhất, xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngành Dầu khí hiện đại của Việt Nam và nhanh chóng đào tạo được đội ngũ lao động đông đảo, những cán bộ công nhân dầu khí có trình độ, chuyên môn cao. Hai bên đã thống nhất thành lập một dự án liên doanh góp vốn 50/50 bằng hiện vật (không có sự góp vốn bằng tiền) trên cơ sở Hiệp định hợp tác hữu nghị Việt Nam - Liên Xô ký năm 1980 và chọn mô hình Xí nghiệp liên hợp thăm dò, khai thác dầu khí biển Adécbaigian làm cơ sở xây dựng Liên doanh dầu khí Việt - Xô. Như vậy, thông qua dự án này là một quyết định đặc biệt, khác thường, bởi vào thời điểm đó Liên Xô cũng như Việt Nam chưa có xí nghiệp liên doanh tương tự. Các nhà lãnh đạo Phía Việt Nam trực tiếp chỉ đạo thảo Hiệp định này là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Trần Quỳnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Lê Khắc, Bộ trưởng phụ trách công tác dầu khí Đinh Đức Thiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Hoàng Trọng Đại và nhiều người khác. Về Phía Liên Xô có Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng I.V. Arkhipov, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng K.F. Katusev, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước N.K. Baibakov, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Quan hệ đối ngoại E.I. Oxadchuc, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp khí S.A. Obrusev và những người khác. Về chuẩn bị nội dung văn kiện hiệp định Phía Việt Nam có ông Trần Hữu Lạc phụ trách các vấn đề ngoại thương, ông Hồ Tế phụ trách về tài chính, góp vốn, giá dầu, ông Ngô Thường San phụ trách về kỹ thuật và chương trình công tác. Về Phía Liên Xô, trực tiếp là các ông Iu.V. Zaisev, O.O Seremeta, E.I. Oxadchuc. Điều được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu ông Hồ Tế phải giải thích về cơ sở tính giá xuất xưởng, về giá trị và hệ số chuyển đổi đồng rúp chuyển nhượng, về hình thức góp vốn bằng vật tư tính theo cơ sở các hợp đồng nhập khẩu thiết bị toàn bộ, ít ai thắc mắc về phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ…
Từ ngày 17 đến ngày 25-2-1981 ở Hà Nội và Vũng Tàu, hội đàm giữa đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Hoàng Trọng Đại dẫn đầu và đoàn Liên Xô do Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế đối ngoại Nhà nước Liên Xô E.I. Oxadchuc dẫn đầu để “Thỏa thuận dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa miền Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ của Xí nghiệp này”.
 
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev ký Hiệp định tại Mátxcơva
Ngày 19-6-1981 tại Mátxcơva, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hiệp định gồm 27 điều, ngoài phần mở đầu, có những nội dung chính như sau:
- Thành lập trên lãnh thổ Việt Nam một Xí nghiệp Liên doanh trên nguyên tắc ngang nhau để tiến hành thăm dò, khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam tại vùng do Việt Nam xác định với sự tham gia của các tổ chức Liên Xô (Điều 1).
- Xí nghiệp Liên doanh là pháp nhân của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam hoạt động trên cơ sở Điều lệ của Xí nghiệp Liên doanh (Điều 3).
 - Các Bên tham gia Xí nghiệp Liên doanh: + Việt Nam: Tổng cục Dầu khí Việt Nam. + Liên Xô: Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô (Điều 4).
- Các Bên định mức vốn pháp định và các Bên đóng góp ngang nhau (Điều 5).
 - Các công việc mà các tổ chức Liên Xô thực hiện cho Xí nghiệp Liên doanh tính vào phần góp vốn của Liên Xô. Các tổ chức Liên Xô theo thỏa thuận của Bên Việt Nam sẽ thực hiện việc nghiên cứu địa vật lý toàn thềm lục địa Việt Nam (Điều 6).
- Các công việc Bên Việt Nam làm cho Xí nghiệp Liên doanh như dịch vụ, khảo sát, thiết kế, chuyển cho Xí nghiệp Liên doanh nhà ở, nơi làm việc và sản xuất…
- Việc chuyển tiền đồng Việt Nam sang rúp chuyển nhượng và ngược lại vì mục đích của Hiệp định này sẽ thực hiện theo tỷ giá hối đoái được các cơ quan có thẩm quyền hai Bên thỏa thuận (Điều 8).
- Thanh toán các chi phí mua vật tư, dịch vụ… và các khoản tiền vay đóng góp vốn, trả nợ vay… được quy định chi tiết tại các Điều 9, 10, 11, 12, 13.
- Bên Việt Nam dành cho Xí nghiệp Liên doanh sử dụng không phải trả tiền các phần đất thích hợp nơi sẽ xây dựng các công trình sản xuất, nhà ở, công trình văn hóa đời sống của Xí nghiệp Liên doanh (Điều 14).
- Cơ quan lãnh đạo của Xí nghiệp Liên doanh là Hội đồng Liên doanh, mỗi Phía có một số đại diện thường trực ngang nhau. Cơ quan chấp hành của Xí nghiệp Liên doanh là Ban Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc thứ nhất được bổ nhiệm là công dân hai nước (Điều 17).
- Kế hoạch của Xí nghiệp Liên doanh phù hợp với kế hoạch năm, 5 năm và kế hoạch triển vọng của Xí nghiệp Liên doanh được soạn thảo phù hợp với kế hoạch của các Bên và được các Bên chấp nhận (Điều 19).
- Lợi nhuận của Xí nghiệp Liên doanh sau khi trừ các khoản theo quyết định của Hội đồng để lập và bổ sung các quỹ của Xí nghiệp Liên doanh và dùng vào các mục đích khác, được chia đều cho các Phía tham gia Xí nghiệp Liên doanh, tức là 50% mỗi Phía. Lợi nhuận chia cho Phía tham gia Xí nghiệp Liên doanh của Bên Liên Xô không phải chịu thuế (Điều 22).
- Dầu do Xí nghiệp Liên doanh sản xuất được chia đều cho các Phía tham gia Xí nghiệp Liên doanh, phần dầu Phía Liên Xô được nhận sẽ cung cấp cho Liên Xô theo các điều kiện của Hiệp định thương mại Việt - Xô. Vấn đề phân chia khí do Xí nghiệp Liên doanh sản xuất sẽ được các Bên giải quyết bổ sung (Điều 23).
- Xí nghiệp Liên doanh có thể giải thể theo thỏa thuận của các Bên (Điều 26).
- Hiệp định có hiệu lực kể từ ngày ký (Điều 27).
Hiệp định được ký kết là một bước ngoặt cho sự phát triển ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam, đặc biệt sau khi các công ty dầu phương Tây, như Deminex, Agip và Bow Valley đã chấm dứt hợp đồng dầu khí và rút khỏi Việt Nam!
 
Các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định đây là một sự kiện lớn thể hiện sự hợp tác trên tinh thần đồng chí anh em giúp Việt Nam vượt qua khó khăn lúc này để phá thế bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ và các thế lực khác do Mỹ ủng hộ chống phá Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai nước thời điểm này là rất cần thiết, nhân dân Việt Nam ghi nhớ và biết ơn nhân dân Liên Xô, Chính phủ Liên Xô về sự kiện này. Tuy nhiên không phải là không có những ý kiến bình luận ngay trong khi chuẩn bị, thảo luận nội dung dự thảo Hiệp định cũng như sau khi Hiệp định được ký kết. Có một số vấn đề “không thông” là:
 (1) Đối tượng hợp tác là toàn bộ thềm lục địa Việt Nam, điều đó sẽ làm mất quyền chủ động của nước chủ nhà trong việc phát triển dầu khí trong tương lai;
(2) Không quy định thời hạn của Hiệp định;
(3) Phía Liên Xô được ghi sổ góp vốn ngay khi vật tư, thiết bị xuống tàu ở cảng của Liên Xô và theo giá quốc tế, còn Việt Nam phải xây dựng xong công trình, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng mới được ghi nhận vốn góp! Giá công trình lại phải tính theo đúng dự toán, trên cơ sở mặt bằng giá bao cấp đang áp dụng cho cả nước. Rõ ràng các quy định kiểu này là không công bằng!
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam không phải là không suy nghĩ, đắn đo, nhưng trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế rất bất lợi cho Việt Nam lúc này, Việt Nam rất cần sớm có dầu khí, phải cân nhắc tính toán giữa cái được và cái chưa được để quyết định:- “Chúng ta cứ ký đi rồi sau này sẽ xem xét thay đổi”.
 
Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngành Dầu khí vui mừng chào đón dòng dầu đầu tiên trên tàu khoan Mikhain Mirchin (năm 1984)
Lịch sử sau này đã chứng minh đó là quyết định đúng, phù hợp với tình thế và có tầm nhìn chiến lược…                                                                                   
                                          (Lược trích từ tuyển tập “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam”, Tập 1)
A.P giới thiệu

Tin nổi bật